Cụ thể, phấn đấu từ năm 2025 đến năm 2030 giảm thiểu từ 50% đến 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% đến 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; từ 50% đến 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Bảo đảm tối thiểu 1 năm 2 lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; khu bảo tồn biển Hòn Mê không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Quan trắc định kỳ 2 năm/lần hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.
UBND tỉnh yêu cầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát để giảm thiểu hành động đổ chất thải, rác thải nhựa ra biển.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng thời, phát động các phong trào hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Ngày Đại dương Thế giới 8/6, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành thực hiện tuyên truyền đến các hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào vì môi trường và tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa và túi ni lông tại các khu vực ven biển.
PV