Trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xứ Thanh, Phủ Tía là nơi thờ Bà Triệu tọa lạc tại xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), được biết đến với giá trị đặc sắc về lịch sử văn hóa, là chốn linh thiêng lâu nay được nhiều du khách ghé thăm.
Năm 1993, với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, Phủ Tía đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo truyền thuyết, Phủ Tía có từ xa xưa, là tiền đồn cho căn cứ chính chân núi Nưa, tại đây có hai đền. Đền dưới chân núi Thờ Bà Triệu, trên đỉnh núi thờ Triệu Quốc Đạt anh trai của Bà Triệu. Tương truyền, vào năm 248 thế kỷ thứ 3, có người con gái tên là Triệu Thị Trinh và người anh trai Triệu Quốc Đạt tới vùng đất hiểm trở Núi Nưa (núi Na) lập căn cứ khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược, khi đi qua vùng đất làng Vân Cổn (xã Vân Sơn ngày nay) nghĩa quân của bà đã dừng chân nghỉ ở dưới ngọn núi gọi là Núi Tía, quan sát thấy địa thế thuận lợi Bà đã cho lập tiền đồn tại đây án ngữ và kiểm soát mọi hoạt động trước khi vào khu căn cứ chính núi Nưa. Sau khi Bà mất, để nhớ ơn Bà nhân dân nơi đây đã lập Đền thờ Bà dưới chân núi Tía, dân gian còn gọi là Đền Vua Bà (hay Phủ Tía). Qua các triều đại, Phủ Tía có 36 đạo sắc phong, nhiều lần được phong “Thượng đẳng tối linh thân”.
Núi Tía là vùng phụ cận cùng với đền thờ Bà Triệu. Nói về nét độc đáo của núi Tía, Ông Hoàng Khắc Trường, Phó Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Phủ Tía cho biết, núi Tía không cao so với mặt nước biển, chỉ trên dưới 30m, rộng 1km, chiều dài trên dưới 2km, giống như con rùa cất cổ đi về phía Bắc ghé Tây. Đền Bà Triệu - Đền chính được đặt trên cổ rùa nhìn thẳng ra vùng đồi Xuân Tiên, đi vòng về phía sau tay trái đền có một cái giếng tự nhiên, nước trong mát, mùa hè nước ngọt lịm. Nấu nước pha trà thoảng mùi hoa sen, bà con thường gọi là giếng Tiên hay giếng mắt rồng. Dù gặp hạn hán nước giếng không bao giờ cạn.
Trải qua bao biến cố của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên nên dấu tích của Đền xưa không còn, nhưng nhớ công lao của Bà hàng ngày nhân dân khắp nơi vẫn mang hương đến thắp và cúng tế trên đất cũ, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Để đáp lại công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và thể hiện nguyện vọng của nhân dân và du khách thập phương, sau nhiều nỗ lực cố gắng của cán bộ và nhân dân xã Vân Sơn cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong việc tôn tạo và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, nhân dân khắp nơi đã đóng góp tiền của, công sức tôn tạo đền, đến nay mặc dù không được nguyên mẫu như ngày xưa nhưng cũng đủ bề thế để nhân dân các nơi về dâng hương tưởng nhớ người anh hùng đã có công với đất nước.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, hàng năm vào ngày 16/2 âm lịch, lễ hội Phủ Tía được tổ chức thường niên, lễ hội đã trở thành phong tục, một nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân xã Vân Sơn và du khách thập phương, có sức giáo dục truyền thống cách mạng cao. Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống như rước kiệu, tế lễ; phần hội có các trò chơi truyền thống dân gian như kéo co, chơi cờ tướng, các trò diễn dân gian truyền thống do người dân địa phương biểu diễn… Đây là những trò chơi tái hiện lại hào khí chống quân Ngô dưới thời Vua bà.
Ông Bùi Kim Dậu, Trưởng phòng Văn hóa huyện Triệu Sơn cho biết, khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Phủ Tía với những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử tâm linh, là tài nguyên có ý nghĩa đối với việc phát triển hoạt động du lịch của huyện Triệu Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thì khu di tích này cần phải được khai thác hiệu quả và hợp lý; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyên, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử phủ Tía đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
Nguyễn Linh