
Lễ hội đền Hùng
Phần lễ của Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng 2013 được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, gắn với các hoạt động tôn vinh di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Trưởng Ban Tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm nay cho biết: Lễ hội năm nay có sự tham gia, dâng lễ vật của 8 tỉnh khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trọng tâm của các hoạt động giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là Lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ chúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương" và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013. Sau lễ đón bằng công nhận là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: chương 1 - Dòng giống Rồng – Tiên - Thiêng liêng hai tiếng đồng bào; chương 2 - Hành trình tâm linh về nguồn cội, tri ân quốc tổ Hùng Vương; chương 3 - Phú Thọ - Mùa xuân linh diệu của non sông. Buổi lễ diễn ra vào 20h ngày 4/3 âm lịch (tức 13/4/2013) tại sân Trung tâm Lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và kết thúc vào lúc 22h với màn pháo hoa tầm cao tại Quảng trường TP. Việt Trì.

Trò diễn kéo lửa nấu cơm thi tại lễ hội đền Hùng
Cùng với lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch, tại Phú Thọ còn diễn ra lễ rước kiệu của các xã: Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú, xã Tiên Kiên và thị trấn Hùng Sơn.
Phần hội của lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều hoạt động đa dạng và đặc sắc, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức với quy mô rộng khắp từ TP. Việt Trì đến Trung tâm lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận gắn với tôn vinh di sản văn hóa "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ".
Đáng chú ý trong các hoạt động này là Lễ hội đường phố với chủ đề "Văn hóa đất tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng", diễn ra vào sáng 4/3 âm lịch, trên các trục đường TP. Việt Trì và Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì), với các nội dung giới thiệu vùng văn hóa dân gian đa sắc màu của đất tổ Hùng Vương. Ngoài ra, còn có lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tại các di tích trên địa bàn tỉnh; rước kiệu của các xã vùng ven; hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, tổ chức chương trình "Hát xoan làng cổ" gắn với các điểm du lịch văn hóa, hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành, thị trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc ở tỉnh Phú Thọ; liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ 3; triển lãm ảnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa cộng đồng".
Các tỉnh bạn về dự giỗ tổ cũng đem đến nhiều chương trình đặc sắc như: biểu diễn của đoàn trống trận Tây Sơn và biểu diễn võ thuật Bình Định, đoàn nghệ thuật Lạng Sơn, đoàn chèo Hà Nam, đoàn chèo Thanh Hóa, đoàn nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, đoàn ca múa nhạc Đồng Nai, đoàn ca múa nhạc Bà Rịa - Vũng Tàu...
Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại TP. Việt Trì cũng diễn ra nhiều hoạt động thể thao, trong đó hấp dẫn nhất là hội thi bơi trải trên sông Lô.
Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thành mặt bằng Quảng trường Hùng Vương và cấp điện khu vực này đảm bảo cho tổ chức các hoạt động quan trọng của lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền trực quan; chú trọng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền; tổ chức phân luồng giao thông từ xa, kiên quyết không để ùn tắc; tổ chức việc trông giữ xe theo đúng quy định, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, xử lý các đối tượng vi phạm./.
Mai Hồng