Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung trên đã tạo môi trường cho Du lịch Phú Thọ phát triển, tạo ra sự chuyển biến nhiều mặt. Từ phát triển sản phẩm du lịch đến tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục du lịch toàn dân làm cho hoạt động du lịch sôi động và phong phú hơn. Hình ảnh Du lịch Phú Thọ bước đầu được hình thành, củng cố và ngày một nâng cao ở cả trong và ngoài nước.
Trải qua 53 năm xây dựng và phát triển, ngành Du lịch Phú Thọ đã đạt được những thành tích đáng kể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch
Du lịch đã được nhận định là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức về du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã chuyển biến thành những hành động cụ thể, công tác xã hội hóa du lịch đã phát huy hiệu quả, hệ thống kinh doanh du lịch được kiện toàn, hoạt động thích nghi dần với cơ chế mới. Công tác giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch đã được cộng đồng quan tâm và thực hiện. Các di sản văn hóa được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho du khách và nhân dân trong các dịp lễ hội và các sự kiện lớn của tỉnh luôn được đảm bảo.
Thứ hai, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch được kiện toàn, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngày càng được nâng cao
Từ năm 2000 tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, đặc biệt là tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm tạo điều kiện thu hút du khách. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền thuế đất, thuế thu nhập và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép, thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, hiệu quả việc thực hiện các công tác chuyên môn đã được nâng lên rõ rệt thể hiện qua công tác tham mưu xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ngày càng trưởng thành, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ đã có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh; trong những năm qua một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đã được ưu tiên về công tác tại ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ.
Ba là, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường
Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú; tham gia xúc tiến đầu tư du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ...
Công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá được tăng cường thông qua các chương trình liên kết, hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa - du lịch. Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm đặc thù cho mỗi tỉnh, Phú Thọ đã tham gia vào Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR cùng với Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình với sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Dự án EU. Qua 5 năm triển khai, chương trình đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho du lịch mỗi tỉnh, bước đầu tạo dấu ấn trên bản đồ Du lịch Việt Nam và khu vực như một điểm đến chung cho cả vùng theo một Cung đường Tây Bắc.
Bốn là, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ
Mặc dù là một tỉnh nghèo, còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Phú Thọ quan tâm, tập trung huy động các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch. Tổng vốn đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 là 789 tỷ đồng, tuy nhiên từ khi có Nghị quyết xác định phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 thì nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch trong năm 2011, 2012 và 6 tháng năm 2013 đã tăng 3,1 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn lồng ghép thông qua các dự án của các ngành giao thông, nông lâm nghiệp, công nghiệp... đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu du lịch.
Công tác xã hội hóa du lịch được thực hiện tốt; thông qua các hoạt động xúc tiến đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tính đến tháng 6/2013 toàn tỉnh có 218 cơ sở lưu trú với 2.448 buồng. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú là 731,35 tỷ đồng. Hệ thống nhà hàng phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích danh thắng và phục hồi các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Tổng kinh phí tu bổ tôn tạo di tích giai đoạn 2011 - 2013 là 29,8 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp là 6,4 tỷ đồng chiếm 21% tổng kinh phí, nguồn đầu tư phát triển là 23,4 tỷ đồng chiếm 79%).
Cơ sở hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp, những tuyến đường giao thông kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch.
Năm là, công tác đào tạo nguồn nhân lực đã được chú trọng, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu phù hợp nhu cầu phát triển du lịch:
Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua tăng nhanh về số lượng: năm 2005 có 6.400 lao động, năm 2010 có 6.800 lao động, đến hết 2012 có 9.000 lao động làm việc trực tiếp trong các khách sạn, nhà hàng. Số lao động chủ yếu tập trung vào các hoạt động dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh ngoài Nhà nước.
Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Phú Thọ và các huyện, thị, thành tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước về du lịch.
Chương trình đào tạo chuyên ngành du lịch đang được thực hiện ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh
Tuy còn nhiều khó khăn hạn chế, quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp du lịch đã chủ động tuyển chọn đội ngũ cán bộ công nhân viên, đội ngũ công nhân kỹ thuật phù hợp đáp ứng nhu cầu hoạt động cho đơn vị mình, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại các đơn vị.
Sáu là, ngành Du lịch ngày càng đóng góp vào hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Nhờ có sự đầu tư của nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá thông qua tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh, số lượng khách đến Phú Thọ tăng nhanh qua từng năm.
Du lịch phát triển còn tạo ra khả năng tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển chung cho các ngành kinh tế - xã hội; khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền.
Hoạt động du lịch Phú Thọ gắn liền với Chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam từ nhiều năm nay đã tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống, truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế... tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Thông qua du lịch các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao với hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch. Các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, xây dựng, viễn thông, văn hóa nhờ phát triển du lịch mà những năm qua đã có thêm động lực phát triển, diện mạo của nền kinh tế - xã hội được cải thiện.
Trong quá trình phát triển du lịch, nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại được đặc biệt coi trọng. Trong chỉ đạo phát triển du lịch, nhất là phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tổ chức các tour du lịch..., vấn đề an ninh quốc gia luôn được nhấn mạnh. CBCNV và người lao động ngành Du lịch, đặc biệt là các cán bộ quản lý những người tiếp xúc trực tiếp với khách và cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch, hội nhập kinh tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, quốc phòng và có ý thức bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Du lịch Phú Thọ tập trung thực hiện một số mục tiêu cơ bản như: tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng để đưa từ 2 – 3 khu du lịch tập trung vào khai thác, tạo những điểm đến hấp dẫn, những sản phẩm du lịch có chất lượng cao để thu hút khách du lịch; đến năm 2015, phấn đấu đón 6,5 triệu lượt khách tham quan, số lượng khách lưu trú tăng từ 12% - 13%/năm và đạt 409.000 lượt khách, số ngày khách 540.000 ngày. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.203 tỷ đồng, trong đó các cơ sở lưu trú đạt 200 tỷ đồng.
Trần Khai