Ông Hà Kế San cho biết, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 12-16/4/2016 (tức từ ngày 6-10/3 âm lịch). Phần lễ về cơ bản vẫn giữ ổn định như các năm trước, bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do Thành phố Việt Trì tổ chức (từ 7h ngày 11-4); Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (từ 6h30 ngày 12-4) và Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu Di tích Đền Hùng (7h30 ngày 14-4).
Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương sẽ diễn ra vào 7h ngày 16-4 (tức ngày 10-3 Âm lịch) tại Đền Thượng, trên núi Nghĩa Lĩnh. Các địa phương trong tỉnh cũng như cả nước, nơi có đền thờ Hùng Vương và các Lạc hầu, Lạc tướng thời Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời điểm này.
Ông Hà Kế San cho biết, theo đề án giỗ Tổ hàng năm thì mỗi một năm, Phú Thọ sẽ mời 3 đến 5 tỉnh cùng tham gia tổ chức. Năm nay, cùng tham gia lễ gỗ Tổ cùng Phú Thọ sẽ có Cà Mau, Bình Thuận và Hưng Yên.
“Mời các tỉnh tham gia giỗ Tổ để khẳng định Vua Hùng là ông Tổ chung của người Việt. Các tỉnh tham gia giỗ Tổ thì người cao nhất của tỉnh sẽ mặc áo lễ giống các đồng chí của tỉnh Phú Thọ trong lễ dâng hương. Ban tổ chức cũng sẽ dành riêng ngày 9/3 để các tỉnh dâng lễ tại đền Thượng”, ông San nhấn mạnh.
Ngoài ra, năm nay tỉnh Phú Thọ cũng có đề nghị với Bộ VH,TT&DL có công văn thông báo cho các tỉnh, thành phố có điểm thờ tự Vua Hùng đồng loạt tổ chức dâng hương theo nghi lễ truyền thống vào 7h30 sáng ngày 10/3. Nếu năm nay làm tốt và chuẩn chỉnh, Ban tổ chức sẽ trình Chính phủ để tổ chức đều đặn hàng năm. Thông qua việc này tiếp tục giáo dục tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm nay, ngoài phần lễ, điểm nhấn của phần hội năm nay sẽ là Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì 2016, bao gồm diễu hành nghệ thuật trên đường Trần Phú, biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu Trống Đồng và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ công viên Văn Lang.
Cùng với đó là triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… Nhằm quảng bá di sản hát Xoan, từ 8h ngày 11/4 đến 16-4 tại sân Trung tâm lễ hội Đền Hùng sẽ diễn Hội trại văn hóa và Liên hoan Văn nghệ quần chúng, hát Xoan và dân ca Phú Thọ.
Ông Hà Kế San chia sẻ, năm ngoái Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đón 7 triệu lượt người hành hương về Phú Thọ. Năm nay, dù không phải năm chẵn nhưng lễ hội dự kiến sẽ đón ít nhất cũng phải 6 đến 7 triệu người đến dự hội. Vì lẽ đó, công tác tổ chức hết sức nặng nề. Nhưng với phương châm, phục vụ khách hành hương hài lòng nhất khi về dự lễ Giỗ Tổ nên Ban tổ chức cam kết sẽ không có hiện tượng chặt chém về giá cả, không chèo kéo khách hành hương, không ăn mày rải dọc đường, không bày bán thịt thú rừng một cách phản cảm, không tắc đường… Tất cả mọi vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh để đảm bảo môi trường lễ hội văn minh.
“Ban Tổ chức sẽ thành lập các đội kiểm tra liên ngành. Yêu cầu các nơi không được tăng giá, điều kiện không thể không tăng thì phải niêm yết giá và không vượt quá 30%. Trường hợp vi phạm sẽ bị công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe”, ông San kiên quyết.
Trả lời PV Dân trí về việc có hay không việc lặp lại hiện tượng cung tiến các lễ vật mang kích thước kỷ lục như trong các mùa Giỗ Tổ - Lễ hội Đền Hùng trước, ông Hà Kế San khẳng định, 4 năm qua và trong năm nay cũng vậy, các vật phẩm cung tiến mang tính kỷ lục mà không phù hợp với thuần phong mỹ tục và không có tính thực tế lịch sử thì Ban tổ chức không nhận. “Những gì ngày xưa không có thì chúng tôi sẽ không nhận”, ông San nói.
Nhằm đảm bảo sự trang nghiêm, thành kính và an toàn, Ban tổ chức cũng đã công khai số điện thoại đường dây nóng là 0210.3890.026 và 0210.6551.666 để người dân kịp thời phản ánh những hiện tượng, hành vi vi phạm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Nguồn: dantri.com.vn