Phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm đối tượng nghiện, chích ma túy tại Quảng Trị
Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo cũng như quy chế phối hợp thực hiện các vấn đề giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong đối tượng nghiện ma túy. Từ mục đích này, đã có nhiều biện pháp được thực hiện, trong đó có Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, với mục đích giáo dục, hỗ trợ nhóm người có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm đối tượng nghiện, chích ma túy thực hiện các hành vi an toàn như: không dùng chung bơm kim tiêm hoặc thay đổi hình thức sử dụng ma túy để dự phòng lây nhiễm HIV.
Đã có 63/141 xã, phường thành lập các nhóm tình nguyện viên về cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, cấp phát bơm kim tiêm sạch và thu gom bơm kim tiêm bẩn; khuyến khích người nghiện sử dụng bao cao su trong sinh hoạt tình dục và dùng thuốc Methadone (loại thuốc có thể giúp người nghiện giảm bớt việc “thèm” ma túy), nhằm làm thay đổi hành vi của các đối tượng này, từ đó kiềm chế sự lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Bước đầu hoạt động cung cấp bơm kim tiêm sạch và hướng dẫn cách sử dụng bơm kim tiêm sạch cho đối tượng tiêm chích ma túy đã có kết quả. Hơn 15.000 bơm kim tiêm được đặt tại 43 điểm ở các địa bàn trọng điểm được các đối tượng nghiện sử dụng.
Cần khẳng định rằng, việc hỗ trợ và đặt bơm kim tiêm không phải là “tiếp tay” cho việc tiêm chích của các đối tượng nghiện mà chính là cách để giúp các đối tượng này không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm mục đích phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS giữa các đối tượng nghiện...
Một giải pháp khác là khuyến khích, vận động người nghiện dùng thuốc Methadone để thay thế ma túy. Methadone cũng là một dạng thuốc gây nghiện nhưng nó đã được điều chế tổng hợp có tác dụng làm cho người nghiện không cảm thấy thèm ma túy nữa mà chuyển sang trạng thái “thèm” Methadone. Việc sử dụng loại thuốc thay thế này vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người nghiện, vừa ít tốn kém về tiền bạc, giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, để công tác phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng nghiện ma túy có kết quả khả quan, đòi hỏi phải có một quá trình rất dài, cần sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan và sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trong các gia đình có người nghiện ma túy cần có trách nhiệm quản lý, vận động các đối tượng sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su, bơm kim tiêm sạch hoặc thay thế hình thức sử dụng ma túy bằng thuốc Methadone.
Tại từng khu phố cần nắm tình hình tệ nạn ma túy và số liệu cụ thể về đối tượng nghiện trên địa bàn để có biện pháp quản lý, tuyên truyền để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm đối tượng này ra cộng đồng. Ngành Y tế chú trọng công tác truyền thông, tổ chức tập huấn, hỗ trợ cấp phát miễn phí bao cao su, bơm kim tiêm sạch nhằm dự phòng các nguy cơ lây nhiễm.
Đối với lực lượng Công an, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát cụ thể hơn về số người nghiện, chích ma túy, từ đó tham mưu các cấp ủy, chính quyền có biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tất cả các biện pháp phải đảm bảo mục đích nhằm làm cho nhóm đối tượng này tự điều chỉnh hành vi của mình, tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng các biện pháp an toàn để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
PV