Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu: Tây Ninh cần chú ý nhiều hơn đến việc phát triển sản phẩm du lịch mới
Tại buổi làm việc, Sở VHTTDL Tây Ninh đã báo cáo với đoàn công tác TCDL về tình hình triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và chương trình phát động du lịch nội địa của tỉnh Tây Ninh. Trong 5 tháng đầu năm 2022, du lịch Tây Ninh ước đón và phục vụ 1.206.676 lượt khách (lượng khách có lưu trú chiếm 23%, lượng khách trong ngày chiếm 77%) tăng 23,4% so cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch đạt 726,8 tỷ, tăng 30,5% so cùng kỳ năm 2021.
Thời gian qua, Tây Ninh đã hỗ trợ 25 trường hợp hướng dẫn viên (HDV) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên tổng số 30 HDV đã được cấp thẻ. Tây ninh cũng thực hiện hỗ trợ mức ký quỹ cho 2 doanh nghiệp lữ hành nội địa thành lập mới với mức ký quỹ hỗ trợ là 20 triệu đồng/doanh nghiệp. Sở VHTTDL Tây Ninh cũng đã phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho 5 tỉnh Đông Nam Bộ; xây dựng kế hoạch tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng nghiệp vụ Hướng dẫn viên du lịch tại điểm” tại Tây Ninh với sự tham dự của 64 học viên đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh; phối kết hợp quảng bá du lịch Tây Ninh trên Tạp chí Heritage và màn hình TVC của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam…
Dù vậy, lượng khách tới du lịch Tây Ninh thời gian qua vẫn còn thấp. Theo Sở VHTTDL Tây Ninh, một phần vì Tây Ninh chưa có sản phẩm đặc sắc giữ chân du khách. Bên cạnh đó, vấn đề mà các cơ sở kinh doanh và điểm du lịch gặp phải hiện nay là nguồn nhân lực còn thiếu hụt về số lượng và hạn chế về kỹ năng. Sở VHTTDL Tây Ninh cho rằng, Tây Ninh có tiềm năng phát triển farmstay, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành về cơ chế, sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về cách phát triển sản phẩm du lịch farmstay. Tây ninh cũng đang trình Thủ tướng 3 dự án trọng điểm gồm vườn thượng uyển trên đỉnh núi Bà Đen, dự án dưới chân núi và 1 khu phụ trợ để lan tỏa sản phẩm, tạo điểm nhấn đặc sắc hơn cho du lịch Tây Ninh.
Hiệp hội Du lịch Tây Ninh đề xuất cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho người dân ở các khu vực quanh biên giới đi lại du lịch; tạo điều kiện để Tây Ninh phát triển, khai thác các sản phẩm Vườn quốc gia di sản, chợ đường biên, hồ Dầu Tiếng… đúng xu hướng; đặc biệt là thào gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Tây Ninh phát triển du lịch sinh thái. Sun Group, Vinpearl, Ban Quản lý núi Bà Đen đều đang gặp phải về nguồn nhân lực; mong muốn Bộ VHTTDL hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo nghề về du lịch và ngành dịch vụ liên quan, cũng như hướng dẫn trong quá trình thực hiện các dự án phát triển du lịch thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao nỗ lực của Sở VHTTDL Tây Ninh và các đơn vị, doanh nghiệp địa phương trong việc triển khai phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và phát động du lịch nội địa để thu hút khách du lịch đến Tây Ninh thời gian qua. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu ghi nhận nội dung kiến nghị đề xuất về dự án lưu trú tại núi Bà Đen, dự án du lịch biên giới, dự án du lịch sinh thái, farmstay; đồng thời, đề nghị Tây Ninh chú ý nhiều hơn đến việc phát triển sản phẩm mới. “Du lịch Tây Ninh sẽ phát triển hơn trong thời gian tới, trở thành "hiện tượng của miền Đông Nam bộ". Sau dịch, du lịch Tây Ninh sẽ có nhiều sản phẩm mới, điểm đến mới; phát triển sản phẩm du lịch đêm theo định hướng của Bộ VHTTDL” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nói.
Gia Khôi