Theo đó, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến quốc gia, điểm đến địa phương và các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của Du lịch Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy lượng khách quốc tế, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế.
Đến năm 2020, tổ chức triển khai từ 3 - 4 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại mỗi thị trường du lịch quốc tế trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Âu); tổ chức triển khai được ít nhất 1 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại mỗi thị trường tiềm năng (Nam Á và Trung Đông); đảm bảo ít nhất 50% hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng về phạm vi, quy mô và đa dạng về hình thức, nội dung so với giai đoạn trước. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên tuyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước nhằm nâng cao ý thức về gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch nội địa; đến năm 2020, hằng năm, tổ chức và tham gia từ 3 - 5 sự kiện du lịch (hoặc có liên quan) tại các địa phương có tiềm năng du lịch; phối hợp với 15 - 20 đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước tuyên truyền quảng bá du lịch; xây dựng, thuê duy trì và bảo dưỡng từ 15 - 20 biển quảng cáo tấm lớn, biển điện tử để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở các thành phố lớn…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện cũng như đề xuất những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền; giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013- 2020 và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình …
PV