Môi trường sinh thái đa dạng sinh học
Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo lớn và có dân sinh sống. Dân cư trên vịnh sống tập trung ở huyện đảo Vân Đồn và các đảo Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng và các vùng ven biển Bến Do, Cửa Ông... Các đảo và cụm đảo khác như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, Thẻ Vàng, cụm đảo Hòn Chồng, Hòn Vân Đồn, Hòn Ỏn, Hòn Ba Sao, núi Chân Nghĩa... là những điểm du lịch hấp dẫn. Đây cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới. Vịnh có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. Hệ thực vật gồm 780 loài, 468 chi, 135 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 21 loài thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam. Các loại động vật biển gồm 391 loài, hầu hết đều là loài hải sản có giá trị kinh tế cao và có giá trị khoa học rất lớn. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bào ngư, hải sâm, sá sùng…
Hệ sinh thái thảm cỏ biển gồm 2 loại: cỏ xoan (halophila ovalis) và cỏ lươn Nhật (zosteria japonica) tập trung chủ yếu tại Vụng Quýt và Ổ Lợn. Hai loài cỏ biển trên thuộc 2 chi, 2 họ, đây là những loài phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới.
Hệ sinh thái rạn san hô ở đây thuộc cấu trúc rạn dạng viền ven đảo. Rạn hở, chịu tác động mạnh của sóng gió và dòng chảy nên địa hình đáy gồ ghề, lộ ra nhiều tảng đá gốc lớn, rạn hẹp và không phân đới rõ ràng. Rạn ở đây tương đối hẹp và dài, do diện tích đáy hẹp và độ nghiêng của đáy lớn. Phần lớn rạn chỉ rộng từ 25 - 150m, đặc biệt ở điểm vịnh Bộ Đội có nơi rộng tới 250m còn ở vũng Ổ Lợn và Cao Lồ Tây rạn chỉ rộng 15 - 20m.
Độ phủ trung bình của san hô sống (bao gồm cả san hô cứng và san hô mềm) ở các điểm nghiên cứu đạt giá trị 34,91%. Độ phủ này cao nhất ở vịnh Bộ Đội đạt 56,88%, độ phủ thấp nhất đạt 19,38% tại vũng Ổ Lợn, ở Miếu Danh độ phủ của san hô sống tương đối cao 45%, các điểm còn lại độ phủ dao động từ 26,88% - 35%. Theo bậc phân loại giá trị về độ phủ của san hô sống thì độ phủ của san hô sống tại khu vực đảo Ba Mùn đạt giá trị bậc 3 nghĩa là ở mức trên trung bình.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích nhỏ, phân bố ở phía Tây các đảo, trong các thung áng, cây có đường kính nhỏ, trữ lượng không đáng kể, ít bị khai thác. Rừng ngập mặn phân bố tại một số địa điểm chính như: vụng Cái Quýt, vụng Lỗ Hố, vụng Soi Nhụ, vụng Ổ Lợn, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim,..
Ngoài những giá trị do thiên nhiên ban tặng, vịnh Bái Tử Long gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam với địa danh nổi tiếng là thương cảng Vân Đồn - một vùng trên bến dưới thuyền sầm uất thời Lý cùng nhiều di tích lịch sử như đền Trần Quốc Tảng (còn gọi là đền Suốt), đồn Tĩnh Hải, thành nhà Mạc (trên đảo Ngọc Vừng), đỉnh Quan Lạn (trên đảo Quan Lạn), chùa Trăm Gian (xã Thắng Lợi).
Nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học
Việc gia tăng mạnh lượng khách du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ kèm theo có thể gây quá sức chịu tải môi trường cho đảo và khu vực biển ven đảo. Số du khách tăng thêm hằng năm kéo theo nhu cầu về dịch vụ, đánh bắt cá, cơ sở lưu trú, hoạt động tàu thuyền... khiến lượng rác thải ra môi trường tự nhiên vịnh Bái Tử Long cũng ngày càng tăng. Thành phần rác thải chủ yếu là bao bì giấy bánh kẹo, vỏ chai nhựa, bao bì nilon, các loại bao bì nước giải khát, thức ăn thừa. Rác thải từ người dân sống trên đảo, khách du lịch, các cơ cở khai thác chế biến thủy sản, các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, nguồn nước thải chưa được xử lý, đổ ra biển gây ô nhiễm nguồn nước và hệ động, thực vật thủy sinh.
Hiện trạng ô nhiễm do dầu thải trong nước biển và trầm tích ven bờ ở vịnh Bái Tử Long đã diễn ra trong nhiều năm qua mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm để kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục. Kết quả khảo sát về sự biến đổi hệ sinh thái, cũng như chất lượng nước mặt và trầm tích ven bờ vịnh Bái Tử Long đều cho thấy: sự biến mất hoàn toàn của quần thể san hô ở đáy vịnh và sự suy giảm đáng kể của nhiều loài cá, tôm cũng như nhiều loài sinh vật đáy đặc sản ở vùng biển và ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Điều đó nói lên rằng hệ sinh thái biển vùng vịnh Bái Tử Long đã bị suy thoái và tổn thương nghiêm trọng. Nếu không có các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất hệ sinh thái biển vịnh Bái Tử Long trong tương lai gần.
Sự đa dạng sinh học, đặc biệt là hệ sinh thái san hô ở vùng biển xung quanh vịnh Bái Tử Long bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức và bằng phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, lưới kéo…
Biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất ấm lên có thể gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô, ảnh hưởng tới nơi cư trú và các loài sinh vật đáy biển.
Những việc cần làm
Đối với quy hoạch vịnh Bái Tử Long và huyện đảo Vân Đồn, cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa giá trị hệ sinh thái tự nhiên, song hành với truyền thống văn hóa bản địa, cùng với sự tiện nghi, hiện đại. Quy hoạch chung cũng cần mang tới cho du khách không gian du lịch hấp dẫn nhưng phải tạo môi trường sinh thái bền vững, có bản sắc riêng, mang đến chất lượng dịch vụ du lịch tốt.
Cần có biện pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động du lịch, vận tải, tàu thuyền trên biển bằng việc thực hiện nghiêm yêu cầu lắp đặt và giám sát hoạt động bằng camera trực tuyến của thiết bị phân ly dầu nước, đẩy nhanh việc đưa dầu diezel sinh học vào sử dụng, có phương án thu gom nước thải la-canh trên vịnh Bái Tử Long. Cùng với tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm những người kinh doanh dịch vụ du lịch và cả du khách xả rác thải ra môi trường. Ngoài ra, tỉnh nên khẩn trương đầu tư, hoàn thiện, nâng công suất các trạm xử lý nước thải... để giải quyết vấn đề nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.
Thực hiện đầy đủ quy chế quản lý vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên biển được ban hành nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái, bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ phát triển bền vững tại vịnh Bái Tử Long. Đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hoạt động khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật; nuôi trồng thủy sản; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, nghề cá, ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh trong vùng, cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển. Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác không được phép qua lại trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ trường hợp bất khả kháng.
Các công trình, dự án cần phải có sự tham gia thẩm định của ngành Văn hóa trước khi cấp phép đầu tư trên vịnh, nhằm đảm bảo những công trình đó không ảnh hưởng đến di sản văn hóa, di sản địa chất. Ngoài ra, cần có một chiến lược bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được lồng ghép trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy du lịch sinh thái biển bền vững dựa vào giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan các hệ sinh thái thảm cỏ biển, san hô và vùng triều ven biển vịnh Bái Tử Long bao gồm cả các bãi cát ven biển. Khuyến khích các dịnh vụ du lịch lặn biển, ngắm san hô và cá biển, các hoạt động câu cá thủ công và nghệ thuật…
Lồng ghép quy hoạch du lịch sinh thái vào các hoạt động bảo tồn biển nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Xác lập rõ các ranh giới vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng đệm và vùng phát triển, cùng với các hoạt động như: bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác nguồn lợi sinh vật trái phép, phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi, nghiên cứu thăm dò khảo sát, khảo cổ. Xem xét xây dựng các tuyến du lịch biển - đảo mới và phát triển hình thái du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với kết quả khoa học, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Truyền thông và nâng cao nhận thức vai trò của bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị kinh tế của dịch vụ hệ sinh thái đối với cộng đồng địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế, công đồng ngư dân.
Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế hài hòa biển - đảo gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, nuôi biển có sự tham vấn cộng đồng.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các mô hình quản lý, phát triển bền vững tại vịnh. Đề xuất xem xét xây dựng hồ sơ vùng ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu vực biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA) hoặc di sản thiên nhiên thế giới. Có được thương hiệu quốc tế cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch sinh thái chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế hơn.
Tạp chí Du lịch tháng 7/2018
Dư Văn Toán