Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Thực trạng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam
Du lịch chăm sóc sức khỏe không bao gồm các hoạt động phẫu thuật chuyên sâu như du lịch chữa bệnh, mà chỉ thông qua các hoạt động thể chất, tâm lý hoặc tâm linh để tăng cường sức khỏe và tinh thần cho con người. Cụ thể, một kỳ nghỉ “Wellness travel” thường bao gồm các khóa học đặc biệt để tìm kiếm sự cân bằng, các liệu trình chăm sóc riêng biệt, thiền, yoga, massage hàng ngày với sự theo dõi của chuyên gia… Một số nơi còn kết hợp chăm sóc và trị liệu bằng y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt… Hiện tại những mô hình kết hợp nghỉ dưỡng có thể thấy ở Việt Nam chủ yếu phân bố quanh các cụm suối khoáng, suối nước nóng, ven biển, ven đảo, cao nguyên… Tuy vậy, Việt Nam chưa thực sự khai thác hết tiềm năng từ những điều kiện sẵn có này để đưa du lịch chăm sóc sức khỏe thành sản phẩm du lịch nổi bật tại mỗi địa phương.
Điều kiện phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để xây dựng các mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe
Việt Nam có điều kiện khí hậu, địa hình thuận lợi để đầu tư các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại. Ngoài kiểu khí hậu đặc trưng, sự phân hóa địa hình dẫn đến việc hình thành những vùng có khí hậu ôn đới như khu vực đồi núi và cao nguyên ở Tây Bắc, Tây Nguyên, có nhiệt độ trung bình năm phù hợp cho việc nghỉ dưỡng; bờ biển trải dài cung cấp độ ẩm và điều hòa nhiệt độ với đất liền tạo nên những khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển có ưu thế về khí hậu thuận lợi. Tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên này để xây dựng những khu nghỉ dưỡng trung đến cao cấp sẽ thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở thành điểm mạnh trong phát triển du lịch.
Việt Nam thuộc một trong những khu vực có mức độ công nghệ hóa cao và thị trường thương mại điện tử phát triển sôi động nhất thế giới
Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng trở nên phổ biến hơn. Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử toàn cầu trong đó có lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ ràng từ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới Việt Nam.
Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách và giữa các du khách với nhau. Để làm được như vậy, ngành Du lịch Việt Nam cần ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng đồng thời với việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển chính quyền điện tử.
Du lịch và y tế dễ dàng kết hợp để đem lại những sản phẩm chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu du khách
Áp dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch và y tế đang dần trở thành một xu thế kết hợp đầy tiềm năng và đem lại giá trị cao. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khỏe con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh… một cách đơn giản, chính xác và ít tốn kém nhất. Phần mềm có thể kết nối với hệ thống chẩn đoán các chỉ số về chức năng chuyển hóa trong cơ thể… và đưa ra những lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng phù hợp nhất, cũng như những lựa chọn điều trị để người bệnh được điều trị tốt nhất. Trong khi đó, công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang tương tác với công nghệ sinh học trong cuộc sống hàng ngày; các kỹ sư, các nhà thiết kế và các kiến trúc sư đang kết hợp các thiết kế trên máy tính với các loại vật liệu mới và các kỹ thuật sinh học tổng hợp để tạo ra các sản phẩm kết hợp của vi sinh vật với cơ thể con người, với sản phẩm con người tiêu thụ và thậm chí ngay cả những điều kiện cơ bản liên quan đến môi trường sống.
Du khách lớn tuổi trở thành thị trường khai thác tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe
Du khách cao tuổi, hay thế hệ du khách Bạc, đang ngày càng gia tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng chi tiêu trong quá trình du lịch. Vì thế, phát triển các loại hình dịch vụ gần gũi và tập trung hơn trong việc phục vụ nhóm đối tượng lớn tuổi dần trở thành xu thế để khai thác và mở rộng mảng thị trường tiềm năng này. Nhóm du khách Bạc thường có xu hướng đi du lịch tránh mùa cao điểm nên sẽ là mục tiêu của ngành du lịch nghỉ dưỡng trong khoảng thời gian thấp điểm. Hơn nữa, nhóm du khách này có thể sẽ đi du lịch nhiều lần trong năm, nên khả năng đi tham quan các địa điểm du lịch và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm cũng đa dạng hơn. Đến năm 2030, với nhu cầu du lịch cao hơn của các khách hàng lớn tuổi, các điểm du lịch nghỉ dưỡng cần tập trung hơn vào việc đáp ứng yêu cầu nhiều mặt từ nhóm du khách này.
Khó khăn và thách thức đối với du lịch chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam
Khó khăn chủ yếu đến từ việc đầu tư cho dịch vụ nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư dài hạn; chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu và đạt chuẩn quốc tế; hạn chế từ nguồn nhân lực chất lượng cao làm giảm khả năng áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong các khâu dịch vụ; sự hợp tác giữa địa phương, cơ quan y tế, cơ sở kinh doanh du lịch và các hãng lữ hành còn thiếu đồng bộ; công tác truyền thông quảng bá cho du lịch chăm sóc sức khỏe chưa được đẩy mạnh; thói quen du lịch của người dân, đặc biệt thói quen chi tiêu của người cao tuổi cũng là lý do lượng khách cho du lịch chăm sóc sức khỏe chưa có sự tăng trưởng đáng kể.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa tận dụng được lợi thế về y học cổ truyền như khám, chữa bệnh bằng châm cứu, luyện khí công…; hay phát huy tiềm năng từ các khu du lịch suối nước khoáng nóng và các vùng cao nguyên có khí hậu đặc biệt để điều hòa sức khỏe.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang thiếu hụt lượng lớn nhân công có trình độ kỹ thuật cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch. Để làm được điều này, Du lịch Việt Nam phải hiểu rõ hơn nhu cầu của du khách thông qua những công nghệ như AI, IoT, Big Data...
Các cơ sở y tế chưa xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với các hãng du lịch lữ hành, để cùng tạo ra những chương trình du lịch kết hợp khám, chữa bệnh thật sự hiệu quả, hấp dẫn. Thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh còn chưa phổ biến, còn ít doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng marketing điện tử (e-marketing) như một công cụ để quảng bá cho du lịch vẫn chưa tạo được bước đột phá.
Giải pháp đối với du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam
Thực trạng phát triển còn hạn chế của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có thể đưa ra những biện pháp phát triển phù hợp với môi trường du lịch hiện đại trước mắt.
Đối với công tác quản lý, chủ động đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra các kế hoạch chiến lược có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập môi trường du lịch thông minh ngay từ đầu; cần xác định rõ thị trường mục tiêu và các sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tâm lý và sở thích của thị trường mục tiêu.
Đối với chất lượng dịch vụ du lịch, cần tích hợp và minh bạch thông tin về điểm du lịch, lưu trú, lữ hành thông qua các kênh trực tuyến để dễ dàng tiếp cận với người dùng thiết bị điện tử; cải thiện hiệu quả đầu tư kinh tế trong du lịch thông qua chất lượng quy hoạch, phân tích hiệu quả đầu tư, quản lý hiệu năng bằng dữ liệu giám sát thường xuyên được cung cấp từ những ứng dụng của Big Data. Tận dụng những ứng dụng của công nghệ 4.0 trong y tế để phục vụ du khách chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và hiệu quả nhất.
Đối với chất lượng nguồn nhân lực, cần nâng cao chất lượng nhân lực ngành Du lịch hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế thông qua việc công bố các yêu cầu về nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo để phù hợp với những thay đổi hiện đại hóa của ngành trong bối cảnh mới.
Tài liệu tham khảo
1. Grant Thornton, Tóm tắt báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2017 Thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam, tháng 7/2017.
2. Grant Thornton, Tóm tắt báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 Thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam, tháng 7/2018.
3. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam EBI 2017.
4. NXB thống kê, Kết quả điều tra Chi tiêu của khách du lịch giai đoạn 2003-2015 Results of Tourist expenditure survey in the period 2003-2015, Hà Nội, 2017…
Nguyễn Thị Thu Thanh