Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính từ cảnh cáo đến phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Bên cạnh việc phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Đáng chú ý, hành vi để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật có mức phạt rất cao, từ 80 – 90 triệu đồng; có cùng mức phạt với việc tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành sử dụng người nước ngoài hướng dẫn du lịch ở Việt Nam và việc doanh nghiệp cho nơi khác dùng giấy phép kinh doanh lữ hành của công ty hoặc dùng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của đơn vị khác để làm ăn.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành không sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch theo hợp đồng lữ hành sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng nếu sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia. Phạt từ 50 - 60 triệu đồng nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch; sử dụng người sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch.
Đối với hướng dẫn viên du lịch, Nghị định cũng đưa ra nhiều mức xử phạt vi phạm. Cụ thể, hướng dẫn viên du lịch sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi không đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn; phạt từ 1-3 triệu đồng nếu không hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan, phong tục, tập quán của địa phương nơi đến du lịch; cung cấp thông tin cho khách du lịch không rõ ràng hoặc không công khai hoặc không trung thực về chương trình du lịch, dịch vụ, các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch...
Nghị định cũng có những nội dung về vi phạm quy định chung trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, quản lý điểm du lịch, vận tải du lịch... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019.
HN