Nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiến tới kiểm soát tốt dịch COVID-19
Người dân Đà Nẵng, Nha Trang “không ra khỏi nhà” trong 7 ngày
Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong một tuần (từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8). Theo đó, thông báo "tạm dừng tất cả hoạt động" trên địa bàn trong vòng một tuần được Tiểu ban Truyền thông Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đưa ra sáng 14/8, trước thời điểm thực hiện hai ngày để người dân chủ động sắp xếp công việc, đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết. Người dân thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu ở đó", không được ra khỏi nhà và thực hiện tuyệt đối cách ly nhà với nhà.
Các cơ quan, công sở, đơn vị phải giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch); các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức "3 tại chỗ' (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Việc áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến đời sống người dân, việc ăn uống sinh hoạt cũng bất tiện hơn. Do đó, lãnh đạo Đà Nẵng mong người dân chia sẻ và chung tay "vì một sức thành phố mạnh khỏe".
Khánh Hoà cũng áp dụng biện pháp tương tự với TP. Nha Trang bắt đầu từ 0h ngày 14/8. Ngoài ra, tại TP. Nha Trang, tỉnh yêu cầu thành phố phải có phương án cụ thể, đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân. Đồng thời, trung tâm cứu trợ COVID-19 của tỉnh cũng sẽ cùng phối hợp tham gia hỗ trợ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước phải bố trí, sắp xếp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phóng viên... khi đi làm việc, hay thực hiện nhiệm vụ phải có thẻ công chức, thẻ chuyên ngành, thẻ công tác, văn bản xác nhận của cơ quan...
Trong thời gian cách ly một tuần, ngành y tế phối hợp các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện và đưa các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.
Hà Nội cách ly y tế 5 phường tại quận Đống Đa và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm
Sáng 14/8, UBND quận Đống Đa thông tin việc ban hành các quyết định thiết lập khu vực cách ly y tế trên địa bàn 5 phường để đảm bảo yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó 5 phường gồm: Thổ Quan, Văn Chương, Văn Miếu, Khâm Thiên, Hàng Bột. Tổng số nhân khẩu tại các điểm cách ly trên địa bàn 5 phường thuộc quận Đống Đa là 7.550 người.
Tại quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương tiếp tục phong tỏa đến ngày 28/8 để xét nghiệm diện rộng cho người dân trong khu vực. Trong thời gian cách ly y tế, hơn 23.000 người dân phường Chương Dương được yêu cầu không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp đặc biệt khác được phép.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 15/8
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày 13/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 15/8. Tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn cao, trường hợp điều trị còn nhiều, năng lực điều trị chưa đáp ứng hết nhu cầu, đang gặp vấn đề quá tải. Do đó, thành phố đang tập trung ngăn chặn nguồn lây, giảm ca mắc để giảm ca nặng, giảm tử vong. Giảm và cô lập vùng đỏ, xanh hóa vùng xanh trên bản đồ COVID-19. Áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp từng địa bàn. TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát dịch bệnh.
Thảo Anh