Nỗ lực để "Nụ Cười Mới" luôn lan tỏa...
Du lịch là “duyên”…
Cường hẹn tôi tại một quán café nhỏ ở phố cổ Hà thành. Ấn tượng đầu tiên là sự chuẩn xác về giờ giấc - tác phong của người làm du lịch chuyên nghiệp. Vận sơ mi "đóng thùng", giày tây, Cường có dáng vẻ của “dân công sở” hơn là ông chủ của một doanh nghiệp vận chuyển khá “số má” trong làng du lịch (cho dù Nụ Cười Mới “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều “đàn anh” khác).
“Em tuổi Sửu, nên số vất vả như… trâu”- mở đầu câu chuyện bằng câu nói khôi hài, rồi bất chợt giọng chùng xuống, Cường bảo bước chân vào nghề du lịch đến nay vừa tròn 16 năm nhưng chưa khi nào chứng kiến không khí du lịch ảm đạm như lúc này. Ngay đầu năm, hàng loạt hợp đồng thuê xe du xuân, vãn cảnh, lễ chùa… bị hủy, “đắng” hơn là có những đoàn khách đông, giá trị hợp đồng khá lớn cũng phải tạm dừng vì dịch Covid.
“Đối với người làm kinh doanh, không có gì quan trọng hơn là tín hiệu khởi đầu của một năm mới, động lực tinh thần vừa được khơi dậy sau một loạt sự cố “Covid” kéo dài”, Cường bày tỏ.
Khá tâm trạng, nhưng không hề “sốc” mà coi đó như một bài học về năng lực ứng phó, Cường kể, sự điềm tĩnh, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề là bài học lớn nhất sau những năm tháng “cầm míc” rong ruổi trên mọi nẻo đường…
… Đam mê văn chương, yêu nghề đứng trên bục giảng, Cường chọn thi vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Đà Lạt. Thế nhưng, “thần may mắn” đã không mỉm cười với Cường. Không nản chí, quay lại Sài Gòn, anh lao vào ôn lại kiến thức để năm sau “phục thù”.
Vừa ôn thi, vừa đi làm thêm cho một cửa hàng bán xe máy của một người bà con, chẳng mất quá nhiều thời gian, Cường đã thông thạo các thông số, giá cả, đặc tính của từng loại xe để giới thiệu mỗi khi khách hỏi.
Sớm nọ, một vị khách hàng dáng vẻ phong trần bước vào cửa hàng tìm một “con chiến mã” đủ sức cho “mọi địa hình”. Thấy cậu nhân viên trẻ tuổi, tay cầm cuốn sách văn học nhưng nói về các thông số kỹ thuật lại “chuẩn không cần chỉnh”, vị khách khá ngạc nhiên và hỏi chuyện Cường. Trò chuyện một hồi, hiểu được tâm tư, hoài bão của cậu học trò người Bắc, vị khách (là HDV của một công ty du lịch) bảo, mỗi nghề đều có đặc thù của nó, có sự đam mê, có nhiệt huyết với công việc thì chắc chắn nghề chẳng phụ người. “Em hoàn toàn có thể làm du lịch nếu như em muốn, không nhất thiết phải chờ một năm nữa để thi, em cứ suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình”, lời khuyên của vị khách hàng dễ mến khiến Cường trằn trọc mấy đêm liền. Và rồi, anh quyết định chọn lối đi cho mình.
Năm 2004, Cường thi vào Trường Du lịch và Tiếp thị quốc tế. Là trường đào tạo nghề nên hình thức dạy và học gắn sát với thực tế, không có những môn học rườm rà không thiết thực đối với công việc chuyên ngành. Chỉ sau 1 năm, học viên đã có thể tự tin đi làm chuyên ngành được học, vừa làm vừa tiếp thu, lĩnh hội các phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động để nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bắt đầu từ 2005, nghề hướng dẫn đã mở ra một chân trời mới với Cường, không đầu quân cho công ty lữ hành nào (mặc dù thời đó HDV du lịch chưa ra trường đã được nhiều nơi chào mời), mà anh chọn làm HDV tự do để không bị gò bó và có thể chủ động chọn những tour yêu thích.
5 năm làm hướng dẫn viên cho các công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, Cường gần như thông thuộc hết các tuyến, điểm phổ biến, trong đó có những tuyến gắn bó thân thuộc như Tây Nguyên, miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long…, đặc biệt là lịch trình xuyên Việt kín mít những năm 2007-2008, do thời gian đó giá vé hàng không rất đắt đỏ, đi đường bộ vẫn là phương tiện chủ yếu của đại đa số người dân cũng như khách du lịch.
“Những năm trước, công việc của người hướng dẫn rất khác so với bây giờ, khi đó internet chưa phổ biến, chưa có điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử phục vụ giải trí cũng ít; sự hỗ trợ phục vụ giải trí trên xe cũng chưa đa dạng, hoàn toàn không có công cụ hỗ trợ tìm kiếm, chỉ có micro cắm dây và phát qua hệ thống loa ô tô, chưa có hệ thống âm thanh tốt… chính vì vậy yêu cầu của du khách đối với HDV rất cao, đòi hỏi không chỉ kiến thức, hiểu biết xã hội mà cả những kỹ năng hoạt náo là không thể thiếu, nhất là với hành trình dài ngày để luôn có không khí vui tươi, sôi nổi. Ngoài sự tương tác với khách, thì HDV cũng phải hỗ trợ khách rất nhiều; mỗi chuyến đi là một hành trình chia sẻ, mỗi người gặp là một cuốn sách có thể học hỏi được ít nhiều…”, Cường kể lại.
Giáo viên là ... "nghiệp"
Trở ra Bắc năm 2010, dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp được, Cường mở công ty cổ phần Thương mại và phát triển Du lịch Nụ Cười Mới, trong đó vận chuyển du lịch là mũi nhọn.
Kỳ vọng tạo ra một sắc thái mới lạ, khác biệt so với những đơn vị vận chuyển du lịch tại miền Bắc lúc đó, Cường đã nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang đậm phong cách phương Nam với tiêu chí “luôn luôn nở nụ cười” cùng những dịch vụ tốt nhất, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo nhất để mang lại những trải nghiệm ý nghĩa cho khách hàng.
Tài chính vừa đủ đầu tư 02 chiếc xe 45 chỗ. “Doanh nghiệp siêu nhỏ” này gặp không ít khó khăn do sự cạnh tranh từ các công ty lớn, đã có thương hiệu; rồi khó về nguồn khách. Thêm vào đó, thời gian này đối tượng khách hàng tiềm năng đã có xu hướng đi lại bằng hàng không thay vì đi đường bộ như trước cũng khiến thị trường co hẹp lại…
“Trưởng thành từ hướng dẫn, được đi đến nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài nên tôi hiểu khá rõ tâm lý du khách khi sử dụng một dịch vụ nào đó. Họ bỏ tiền để đi thư giãn, giải trí nên vấn đề đầu tiên đơn vị phục vụ phải đáp ứng được là đảm bảo sự yên tâm, an toàn, thoải mái; rồi tiếp đến là những yếu tố khác”, anh chia sẻ.
“Muốn gia tăng giá trị sản phẩm lên thì vấn đề đầu tiên là con người phải tạo ra sản phẩm tốt, sự cộng hưởng của nhiều yếu tố sẽ mang lại sắc thái mới. Cũng là một chiếc xe đời mới, hiện đại nhưng người phục vụ không tốt sẽ làm mất đi giá trị của chiếc xe, mất lòng tin của khách hàng và từ đó gây ảnh hưởng nặng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp mà phải mất rất nhiều tâm huyết mới gây dựng được. Sản phẩm tốt phải do con người tạo nên, chứ không phải tự dưng mà tốt được, khu du lịch, nghỉ dưỡng có đẹp, có cao cấp đến mấy nhưng thái độ phục vụ của nhân viên không tốt thì chắc chắn du khách sẽ tránh xa. Hiểu rõ điều này, chúng tôi đưa ra những quy chế rất rõ ràng, thưởng phạt công minh để duy trì văn hóa doanh nghiệp, tạo dựng uy tín, thương hiệu với khách hàng”, Cường tâm sự.
Điều rất đáng trân trọng ở Cường là sự ham học hỏi và theo đuổi đam mê đến cùng. Dù vô cùng bận rộn để xây dựng và phát triển doanh nghiệp, anh vẫn dành thời gian theo học ngành Quản lý Văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội).
Cường kể, năm 2010, trong lúc tìm hiểu thị trường cũng như tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp, những kỷ niệm về “duyên với nghề”, về quãng thời gian “cầm míc” bất chợt ùa về; nhớ nghề, nhớ những bài giảng đầy nhiệt huyết của thầy cô năm xưa như “khêu” lại ngọn lửa đam mê “nghề nhà giáo” vẫn lẩn khuất đâu đó trong Cường.
“Tôi nhớ khi giảng về tuyến điểm du lịch, thầy giáo tôi với chất giọng miền Trung như thổi hồn vào mỗi bài giảng, khiến chúng tôi như bị cuốn theo; những bài giảng về giá trị văn hóa tiêu biểu của Huế, những ngôi chùa cổ, thành cổ Quảng Trị, những gian lao anh dũng của thế hệ cha anh trong những năm tháng kháng chiến, lòng tự hào dân tộc, tinh thần quật cường của bao thế hệ… cứ như vậy mà thấm. Vậy tại sao mình không cố gắng hoàn thiện bản thân để được một phần như thầy”?
Sự nỗ lực của anh đã nhận được kết quả tương xứng, đó là tấm bằng cử nhân Quản lý văn hóa năm 2014 và tấm bằng Thạc sĩ năm 2019.
Bên cạnh công tác điều hành doanh nghiệp, hiện Cường tham gia giảng dạy tại Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Đông Đô và một số trường có ngành liên quan đến Văn hóa, Du lịch…
Trở lại câu chuyện “du lịch thời Covid”, Cường kể, đã ấp ủ kế hoạch cho sự bứt phá mới của công ty sau chặng đường 10 năm thành lập và phát triển, thế nhưng đại dịch Covid-19 khiến dự định này phải thay đổi.
“Đặc thù trong hoạt động vận chuyển là khấu hao rất lớn, xe rất khác với những tài sản, thiết bị khác, bởi niên hạn sử dụng, bởi hao mòn, bởi nhiều khoản chi phí, phí bảo trì đường bộ, bến bãi. Hơn 1 năm qua, lượng hoạt động chỉ đạt 20%, trong khi mọi chi phí vẫn phải duy trì, đây là khó khăn lớn. Tuy nhiên, chúng tôi hết sức nỗ lực để nụ cười luôn lan tỏa, không chỉ hỗ trợ anh em lái xe một phần chi phí để trang trải cuộc sống khi khó khăn, giữ chân người lao động, mà còn tạo động lực để sẵn sàng vào việc ngay khi du lịch có tín hiệu tích cực”, anh nói.
“Tôi tin vào sự phục hồi của du lịch, bởi đây là nhu cầu không thể thiếu của người dân, nhất là sau thời kỳ bị dồn nén vì đại dịch, thì nhu cầu ‘đi để giải tỏa’ sẽ tăng lên rất mạnh. Tuy nhiên, có một thực tế là doanh nghiệp du lịch, d���ch vụ hiện nay đang rất đuối sức, kiệt quệ, rất khó khởi động để chạy đà sẵn sàng đáp ứng khi du lịch trở lại trạng thái kích hoạt; nhưng nếu có một cái ‘phao’ trợ lực của nhà nước thì mọi việc sẽ đơn giản rất nhiều. Đây là điều mà hầu h��t các doanh nghiệp du lịch đang trông đợi”, Cường bày tỏ.
Viễn Nguyệt