Ninh Thuận ban hành Nghị quyết phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030
Theo đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu chung là phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Phát triển văn hoá du lịch tỉnh Ninh Thuận mang tính đặc thù, văn minh, thân thiện, an toàn gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống và đa dạng sinh học. Hình thành khu du lịch quốc gia; quy hoạch rõ khu vực phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch phổ thông. Hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 7-8%/năm.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; (3) Phát triển ngành Du lịch mang tính chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững; (4) Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch; (5) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; (6) Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; (7) Đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch; (8) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trên, trong thời gian tới du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung, là điểm đến du lịch độc đáo, mới lạ và khác biệt nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực, tạo bước đột phá cho du lịch Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phan Vi