Tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo của Ninh Bình
So với các địa phương khác trong cả nước, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cũng như những di sản văn hóa độc đáo để trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong số 975 di tích có gần 90 di tích được xếp hạng quốc gia, một quần thể Di sản Thiên nhiên thế giới Tràng An; Khu Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương, Quần thể di tích văn hóa cố đô Hoa Lư gắn liền với nhiều triều đại khác nhau như Đinh, Lê và những năm đầu của thời nhà Lý. Ngoài ra, chùa Bái Đính kết hợp với nhà thờ Phát Diệm đã hình thành điểm du lịch tín ngưỡng và tâm linh quan trọng của cả nước.
Trên cơ sở phân tích lợi thế về tài nguyên, cũng như khả năng tạo dựng sự khác biệt với các vùng phụ cận, Ninh Bình cần ưu tiên phát triển ngành “công nghiệp không khói” dựa trên một số sản phẩm du lịch đặc thù sau: du lịch dựa vào thiên nhiên (tham quan các danh thắng như Tam Cốc – Bích Động; Tràng An); du lịch văn hóa và tâm linh (Khu di tích cố đô Hoa Lư, hệ thống nhà cổ Việt Nam, nhà thờ đá Phát Diệm); du lịch sinh thái (Khu du lịch Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương); du lịch làng nghề (thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, làm nón me Gia Viễn). Những chương trình du lịch chuyên đề này góp phần quan trọng khác biệt hóa sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến du lịch khác; đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới của khách du lịch khi chú trọng đến những yếu tố văn hoá bản địa, sự tham gia của người dân trong các hoạt động du lịch.
Du lịch Ninh Bình trong những năm qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về cả số lượng khách và doanh thu. Nếu năm 2007, Ninh Bình đón 1 triệu lượt du khách thì năm 2015 ước đón trên 6 triệu lượt, đạt 1.360 tỷ đồng doanh thu du lịch. Tuy nhiên, Du lịch Ninh Bình đang đứng trước những thách thức của phát triển “nóng” chưa hướng tới các yếu tố bền vững và trách nhiệm.
Trước những xu hướng mới trong quản trị điểm đến du lịch, Ninh Bình với tư cách là một điểm đến du lịch mới, bổ sung và kết nối với trung tâm du lịch Hà Nội, cần phải cân nhắc những thay đối về hành vi tiêu dùng cũng như yêu cầu, thách thức của phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm trong chiến lược phát triển ngành Du lịch. Chiến lược này chỉ có thể thực hiện được khi Ninh Bình tạo được khuôn khổ phối hợp hiệu quả giữa những đối tác có lợi ích liên quan chính: chính quyền địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng cư dân địa phương.
Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và cư dân địa phương trong quản lý du lịch bền vững
Mô hình phát triển điểm đến du lịch bền vững cần được sử dụng là sự cân bằng lợi ích giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và cư dân địa phương nhằm đảm bảo các nguyên tắc của phát triển bền vững: bền vững về môi trường, bền vững về kinh tế và bền vững về xã hội. Mối quan hệ giữa 3 đối tác quan trọng trong phát triển du lịch ở Ninh Bình thể hiện ở mô hình GICE: chính quyền cấp tỉnh (quản lý hoạt động du lịch); các doanh nghiệp du lịch (gửi khách, tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp địa phương…), cộng đồng cư dân (quyết định đến hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa tại các điểm đến du lịch).
Du khách khi đến Ninh Bình không chỉ có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ mà quan trọng hơn là tìm kiếm trải nghiệm (Experience) mới riêng có thông qua những giá trị độc đáo nhất (giá trị văn hóa lịch sử, giá trị xuất phát từ cảnh quan thiên nhiên, giá trị tâm linh gắn liền với hệ thống chùa và nhà thờ, những lễ hội truyền thống riêng có của miền Bắc Việt Nam, cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương…) Để đạt được trải nghiệm này, chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch cần phải huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch (Industry). Với năng lực kinh doanh của mình, các doanh nghiệp thiết kế các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, do mục tiêu cơ bản của các doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, nên trong quá trình tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ du khách, các doanh nghiệp có thể sẽ bỏ qua những tiêu chí của phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Quá trình trải nghiệm của du khách tại Ninh Bình cũng phụ thuộc rất lớn vào tính độc đáo của sản phẩm dịch vụ tại các điểm du lịch (sự kiện văn hóa, đặc trưng văn hóa, sản phẩm làng nghề thủ công, các hàng hóa lưu niệm thể hiện giá trị văn hóa và đặc thù của điểm đến). Nói một cách khác, sự hài lòng hay những trải nghiệm đặc thù của du khách phụ thuộc vào sự tham gia chủ động và tích cực của cư dân địa phương. Mặt khác, một điểm đến du lịch ở Ninh Bình chỉ có thể đảm bảo được tính bền vững khi quá trình khai thác có sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các doanh nghiệp du lịch trong quá trình cung ứng sản phẩm và dịch vụ phục vụ du khách, cộng đồng cư dân địa phương luôn được đánh giá là đối tác có lợi ích liên quan (stakeholder) yếu thế nhất. Do vậy, để đảm bảo sự cân bằng của mô hình GICE, đòi hỏi phải có sự can thiệp và điều tiết của chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp tỉnh trong việc hình thành khung pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự hợp tác một cách bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cư dân địa phương trong các hoạt động du lịch. Đặc biệt, chính quyền cần phải đảm bảo sự tham gia sâu rộng của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau: cung ứng dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ lưu trú (homestay), duy trì và biểu diễn các phong tục, tập quán truyền thống, sở hữu các cơ sở kinh doanh du lịch, sản xuất và bán đồ lưu niệm. Cuối cùng, chính quyền địa phương cần chú trọng tạo khung pháp lý và môi trường nhằm thúc đẩy ngành Du lịch phát triển một cách bền vững theo đúng định hướng và quy hoạch đề ra.
Để Du lịch Ninh Bình có thể phát triển đáp ứng đúng xu thế tiêu dùng của khách du lịch trong bối cảnh hội nhập, mối quan hệ biện chứng giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng cư dân địa phương cần phải được chú trọng phát triển trong đó vai trò của chính quyền chủ yếu là tạo khuôn khổ, môi trường hoạt động nhằm huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc hình thành chuỗi cung ứng du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm; thúc đẩy sự tham gia của cư dân địa phương và coi đây là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững và hấp dẫn của du lịch địa phương đối với du khách.
Tài liệu tham khảo
1. Poon, A. (1993). Tourism, technology and Competitive Strategies: CAB International Publisher.
2. Truong, V. D., Dang, N. V. H., Hall, C. M., & Dong, X. D. (2015). The Internationalisation of Social Marketing Research. Social Marketing Research, 5(4).
3. UNWTO. (2007). A Practical Guide to Tourism Destination Management: WTO.
4. VNAT, T. C. D. l. V. N. (2015). Bộ công cụ về du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam: VNAT.
ThS. Nguyễn Mạnh Cường
(Tạp chí Du lịch)