Với diện tích gần 900m2 thám sát và khai quật, kết quả đã làm sáng rõ quá trình hình thành và biến đổi của di tích, xác định được quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình, cung cấp những cứ liệu khoa học cần thiết, phục vụ hiệu quả cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.
Nơi dấu xưa lưu lại…
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân (Ải Vân, Ngãi Lãnh, Ải Vân Sơn, Ải Lĩnh…), ở độ cao 490m so với mặt nước biển, nơi giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân. Di tích thuộc địa phận của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Nhận thức được tầm quan trọng của ải Hải Vân, ngay từ thời Gia Long (1802 - 1820), triều đình nhà Nguyễn đã cho đặt 4 dịch trạm tại huyện Phú Lộc và sửa đường lên đèo Hải Vân. Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), để khuyến khích người dân sinh sống ở vùng núi non hiểm trở này, vào năm 1825, khi ngự giá qua Hải Vân, nhà vua đã ban thưởng cho mỗi nhà dân ở đây một lạng bạc và cho xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc cho dễ đi lại. Tháng 2 năm Bính Tuất (1826), vua xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, “ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”…”.
Trải qua bao trận mưa bom, bão đạn, ngày nay Hải Vân Quan đã bị xuống cấp, hoang tàn, những dấu vết kiến trúc còn lại là sự pha trộn của các giai đoạn xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1826) đến thời Pháp - Mỹ (1946 - 1975). Với địa thế chiếm lĩnh ở độ cao gần 500m, di tích là điểm đến hấp dẫn của du khách khi muốn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và vịnh Đà Nẵng cũng như là vịnh Lăng Cô của Huế. Với giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự và cảnh quan... đặc biệt của mình, ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia.
Thêm những phát hiện mới
Với diện tích gần 900m2 khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ mới đây đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.
Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975. Trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú nơi đây, ngoài việc xây thêm kiến trúc bên trên nóc cổng, hệ thống bậc cấp trước cổng cũng đã bị xẻ đôi và đào phá để tạo lối đi mới lên ngọn Hải Vân Sơn. Qua kết quả khai quật, đã làm xuất lộ dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý phía Nam cổng Hải Vân Quan. Bậc cấp được xếp bằng đá núi, rộng phủ bì 8,6m, hai bên bó vỉa bằng đá núi (rộng 0,65m). Bậc cấp dốc thẳng xuống phía dưới, nối với đường thiên lý…
Làm gì để phát huy Đệ nhất hùng quan?
Qua kết quả khảo cổ sơ bộ, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chất và Hoàng Văn Thưởng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã đưa ra một số kiến nghị: Cần thiết kế tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Di tích Hải Vân Quan là một di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự vô cùng đặc biệt, với quy mô và kết cấu quy chuẩn của một lũy thành phòng thủ.. Di tích được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là sự khẳng định những giá trị vốn quý của di tích và cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Do đó, việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của di tích trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, phát triển kinh tế, du lịch...
Hy vọng, trong thời gian không xa, Hải Vân Quan sẽ tiếp tục là điểm du lịch hấp dẫn, là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận - Quảng xưa, Huế - Đà Nẵng ngày nay.
Nguồn: baodulich.net.vn