Sóng nhà phố cổ
Tôi là dân Hải Phòng. Nhưng số phận lại dắt đưa tôi trở thành một chàng rể Hà Nội. Quê vợ tôi chính là phố Hàng Gai. Cưới nhau xong, tôi về ở rể tại nhà bố vợ trên tầng 3 nhà 60 Hàng Bông. Cái mà căn buồng thân thương này cho tôi không chỉ là một không gian trú ngụ, mà còn là cả một biển sóng những mái nhà lô xô, nhấp nhô của bao phố cổ khi đứng nhìn xung quanh trên nóc sân thượng của căn buồng.
Đứng trên nóc sân thượng, mới thấy sự dào dạt của biển sóng những mái nhà trào lên từ đời này qua đời khác. Những ngày nắng, thấy biển sóng này lấp loáng những mảng sáng tối như nỗi niềm sâu kín của kinh thành đang lặng lẽ kể lể cùng ta những thăng trầm, những biến động thủ đô qua năm tháng thời gian. Những ngày mưa, thấy biển sóng trắng xám như được dệt nên từ những sợi mưa ướt rượt cảm hoài thăm thẳm của Thăng Long đang âm thầm hát khẽ bên ta những éo le, những thất lỡ tình yêu chốn kẻ chợ đời nào chẳng làm cho con tim day dứt. Những đêm trăng sáng một màu vàng rười rượi, thấy biển sóng ràn rụa ngỡ đang đắm chìm mộng mị Đông Đô hư hư thực thực những khát vọng mà phù sa nền văn minh sông Cái cứ mải miết đắp bồi qua bao thế hệ. Nhưng ngỡ ngàng hơn cả là những mùa sương giăng bồng bềnh mỗi sớm, mỗi chiều. Đấy là những khoảnh khắc huyền diệu, ẩn hiện của biển sóng tưởng đang xao xác giá lạnh chùng chình hơi may hơi se sắt cóng buốt từng ngọn gió bấc nơi Hà Nội cổ xưa khuất dần, khuất dần dưới từng dải sương trắng muốt. Bao người Hà Nội hơn một lần thưởng thức vẻ đẹp kỳ thú của biển sóng này để rồi “dù có đi bốn phương trời – Lòng vẫn nhớ về Hà Nội” ? Còn với riêng cái nóc sân thượng nơi tôi hiện đang cư trú, biết bao bạn bè văn nghệ đã từng chiêm ngưỡng biển sóng này để rồi mang nó vào tác phẩm của mình.
Song đấy là sóng nhà phố cổ của 20 năm trước nghèo nàn và trễ tràng. Những kiến trúc nhà hộp cao tầng của hiện đại hôm nay đã xé vụn, đã làm mất hẳn sóng nhà phố cổ ngày nào. Để chống thấm dột triệt để cho căn phòng tầng 3, chính tôi cũng phải làm mái che bằng tôn trên nóc sân thượng. Vĩnh viễn mất đi cái trống trải thoáng rợn khi đứng ngắm sóng nhà phố cổ ngày nào.
Cây phố cổ
Những hàng sấu rợp bóng thâm nghiêm. Xen giữa bằng lăng tím là phượng đỏ rực rỡ trời hè giữa nhạc ve râm ran. Và mùa thu, mùa thu bâng khuâng mùi hoa sữa. Cây bàng dường như cháy khôn nguôi một chút khát vọng lửa suốt mùa đông. Và mùa xuân, chim chóc ríu ran trên những rặng xà cừ.
Khi xưa, phố cổ là những dãy nhà thấp, những căn gác cũng chưa cao lắm, cây phố cổ vẫn ngả bóng mát xuống những con đường, mặt hồ và những mái ngói thâm nâu. Đã biết bao nhiêu cuộc hò hẹn lứa đôi nồng nàn nơi những gốc cây khuya vắng. Ở Hà Nội, có cả một khu rừng tên là Bách Thảo giống như một mắt bão xanh bình yên giữa bão tố cuộc đời cuồn cuộn giông gió, giống như mùa thu trong mùa thu dịu dàng đến không chịu nổi. Cây ở Hà Nội là một nhân chứng xanh cho những sự kiện trọng đại, long trời lở đất của tổ quốc Việt Nam. Có lúc, cây Hà Nội đã tự dâng hiến ngả mình xuống ngang đường dựng lên chiến luỹ. Có thời, cây Hà Nội là nơi cung cấp lá nguỵ trang cho những ụ súng, những trận địa pháo. Và cài trên mũ các em thơ cắp sách tới trường ngày chiến tranh phá hoại. Cây đã vươn hết mình không chỉ làm nên một tầm cao có thật mà còn làm nên một tầm cao lịch sử cùng người Hà Nội.
Nhưng sự hy sinh âm thầm của cây cho công cuộc phát triển đô thị thì lại là một góc khuất ít ai nhìn thấy.
Mùi phố cổ
Mùi phố cổ là một bản giao hưởng dành cho khứu giác. Bản giao hưởng mùi phố cổ thật cao sang, thật quyến rũ đã được người kinh thành làm ra từ ngàn năm qua. Một câu thơ về mùi phố cổ thật gợi thêm: “Bạn cứ đi sợ tan đi nồng nàn/ mùi thuốc bắc, mùi xôi, mùi phở nóng”. Các cụ Vũ Bằng, Thạch Lam đã từng tốn bao giấy mực để đắm chìm trong cái mùi của “Hà Nội băm sáu phố phường” này.
Đi ở phố cổ, chỉ cần ngửi mùi chứ chưa cần ăn, bạn đã thấy dùng dằng nơi con ngõ len lỏi, bạn sẽ chẳng muốn đưa chân khi bất chợt nhận ra mùi của một món ăn thân thuộc đã ngấm vào tâm tưởng từ ấu thơ. Có thể là mùi bún chả. Có thể là mùi phở gà hăng hắc hương lá chanh. Có thể là mùi chè thập cẩm ngan ngát hương hoa bưởi. Có thể là mùi mỡ nóng thơm phức bay lên từ chảo rán quẩy. Có thể là mùi thanh hắc của giọt cà cuống nhỏ vào bát nước chấm bánh cuốn Thanh Trì. Có thể là mùi mắm tôm nồng đượm khi ai đó vừa vắt chanh vừa rót vào chút “quốc lủi” rồi dùng đũa đánh tơi cho ngầu bọt. Có thể ... có thể ... cứ thế biết bao nhiêu mùi thơm từ những đặc sản phố cổ bay lên trong nghi ngút khói, rồi hoà vào nhau ngân vang xộc vào khứu giác bản giao hưởng của văn hoá ẩm thực. Ai đã ở phố cổ, khi đi xa lại chẳng một lần nhớ cồn cào cái mùi phố cổ.
Ngõ phố cổ
Ngõ phố cổ ở Hà Nội rất hẹp về diện tích nhưng lại có một không gian tình nghĩa xóm ngõ thật gần gũi, thật dễ nương tựa. Thường những con ngõ ấy khi xưa là nơi ngụ cư của những người từ một thôn làng cùng rủ nhau ra chốn kẻ chợ làm nghề và buôn bán. Bởi vậy, ngõ phố cổ là nơi lưu giữ một mảnh văn hóa làng xã giữa Hà Nội và cũng là nơi lắng chìm, biến chuyển chầm chậm trong hành trình đô thị hoá của những “người nhà quê”. Sự khiêm nhường ấy khiến Hà Nội có những điểm dừng đẹp giữa những điểm nhấn.
Những ngõ nhỏ là những trang tiểu thuyết còn chưa được ai đó ghi lại hết. Những ngõ nhỏ là nơi ta đến ngồi chậm rãi trong chiều buông để thưởng thức một đặc sản nào đó của phố cổ. Đến với Ngõ Gạch là để ăn bún riêu, sà vào ngõ Hàng Hương là sà vào mẹt thịt chó, ghé sang ngõ Hồng Phúc là xụp xoạp bún cá, trầm tư ngõ Tạm Thương là nhấp giọng rượu rắn và nhập vào ngõ Cấm Chỉ là nhập vào phố ẩm thực của Hà Nội với bánh buốn, bún ốc, phở gà, xôi nóng ... Sẽ trống vắng thế nào tự nhiên những ngõ phố cổ biến mất, thay vì là những đường phân cách vô hồn giữa những con ngõ phập phồng như hơi thở của người Tràng An.
Trăng phố cổ
Nếu cứ đi rong ruổi dọc những con đường, ngõ ngách phố cổ, ta thường ít thấy ánh trăng. Bởi lẽ rất thường tình. Ánh sáng điện đèn của thủ đô hoa lệ, của kinh kỳ phấn son và len dạ đã khiến ta không thể nhận ra nổi ánh trăng. Ánh sáng công nghiệp đã gạt ánh trăng nông nghiệp về với những làng quê, cánh đồng muôn đời của nó. Ánh trăng ở phố cổ thật nỗi niềm.
Vậy mà trăng đâu có rời xa được phố cổ. Nó vẫn âm thầm toả thứ ánh sáng tinh khiết của mình mảnh mai lưỡi trai từ mồng một tới ngày nguyệt tận của tháng này qua tháng khác.
Muốn gặp vầng trăng phố cổ, phải gạt mọi mối tơ vò dưới đất để chầm chậm lên cao. Càng lên cao thì càng thấy nỗi niềm, càng thấy ớn lạnh. Câu đồng dao cổ nhân: “mồng một lưỡi trai - mồng hai lá lúa - mồng ba câu liêm - mồng bốn lưỡi liềm ...” với trăng phố cổ chả còn thiêng liêng nữa. Những người còn họ hàng xóm mạc ở làng thôn thì lấy đấy làm mừng cầu mong mưa thuận, gió hoà. Còn với những người chỉ thấy ánh sáng ở đồng tiền thì vầng trăng chả có ý nghĩa gì trong tưởng tượng của họ. May lắm chỉ có vầng trăng rằm tội nghiệp thì được ví như một đồng xu vàng dành cho trẻ nhỏ và người hành khất. Ở phố cổ, thường thấy đầu thượng tuần và cuối hạ tuần vầng trăng giống như con thuyền mắc cạn những tâm tư…
Đôi khi thấy câu ngũ ngôn hàm chứa “cổ động Tràng Thành nguyệt” của Đặng Trần Côn trong “Chinh phụ ngâm” mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch là: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt” thật lạc lõng như vầng trăng phố cổ. Càng ngày, trăng phố cổ càng chìm vào góc khuất Hà Nội giống như quả tim của một gã si tình chìm vào ngực người yêu. Và gã thốt lên: “Trăng trong mây quả tim anh trong em”.
Nguyễn Thụy Kha
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)