Nhà nhà đi chơi, người người du lịch nên nơi nào cũng quá tải, gây không ít bực dọc cho du khách, từ ùn tắc giao thông, thuyền bè quá tải đến điệp khúc tăng giá. Chưa kể nhiều khách tự đi du lịch nên không tìm được chỗ ngủ, phải vật vờ trên xe hoặc vỉa hè…
Tuy nhiên, giữa ngổn ngang những vấn đề còn tồn tại vẫn tỏa sáng những cách làm chủ động ứng phó kịp thời trước tình huống nảy sinh, từ nhà nước, chủ các dịch vụ cho đến mỗi người dân, làm ấm lòng du khách.
1/ Bộ Giao thông Vận tải đã ghi điểm đầu tiên khi hoàn thành nâng cấp đường Sài Gòn – Đà Lạt, rút ngắn hành trình sớm 3 giờ. Trước đó đã đưa vào hoạt động các đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương (Tiền Giang), Hà Nội – Sapa (Lào Cai), Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây... Tháng 5/2015 này, tiếp tục hoàn tất việc nâng cấp đường Sài Gòn – Buôn Ma Thuột.
2/ Do lượng khách dồn về quá đông, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã rất fairplay với du khách. Tàu ra đảo tăng chuyến gấp mười lần và thông báo điều chỉnh giờ khởi hành trước cả ngày để khách chủ động, không phải chen lấn và chờ đợi. Lên đảo, khách sạn và nhà nghỉ quá ít, thấy khách lang thang, không chờ ai chỉ đạo, rất nhiều nhà dân đã mở cửa, mời khách vào ở homestay miễn phí. Các trường học và một số cơ quan cũng hành xử tương tự. Việc làm ấn tượng này là cách PR tuyệt vời, để du khách còn trở lại Lý Sơn nhiều lần khác.
3/ Do lượng khách về dự festival pháo hoa quá đông, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Du lịch Đà Nẵng và Hội Doanh Nghiệp quận Hải Châu đã vận động các khách sạn, nhà hàng mở cửa nhà vệ sinh cho du khách và người vãng lai sử dụng. “Comfort as home” (Thoải mái như ở nhà) với logo mặt cười dí dỏm được gắn lên cửa 58 đơn vị. Muốn được gắn logo, phải đăng ký và xét duyệt đủ tiêu chuẩn. Chủ trương này sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
4/ Cuộc đua “Thử thách Tú Làn 2015” do Oxalis Adventure travel (Quảng Bình) tổ chức nhằm PR cho nhóm hang động Tú Làn trong quần thể Phong Nha, làm từ thiện và tạo thêm việc làm, được tổ chức rất chuyên nghiệp với sự tham gia của 9 đội, mỗi đội 5 người, có chuyên gia nước ngoài tư vấn và hỗ trợ. Các vận động viên phải vượt qua nhiều thử thách từ đi bộ, chạy bộ băng rừng; leo núi, bơi, chèo xuồng qua sông suối; khám phá hang động, sưu tập hình ảnh, hiện vật và hoạt động vì môi trường, vì cộng đồng…từ ngày 28.4 -1.5. Mùa cao điểm, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đi kiểm tra một số cơ sở dịch vụ. Cơ quan quản lý thị trường tỉnh đã xử phạt kịp thời các đơn vị vi phạm.
5/ Dù lượng khách đến rất đông, chẳng những đảm bảo không tăng giá dịch vụ; Phú Yên còn miễn vé các điểm tham quan như ghềnh Đá Dĩa, tháp Nhạn, bảo tàng, di tích Vũng Rô, núi Đá Bia…Mỗi tối, tháp Nhạn được thắp sáng, lung linh huyền ảo với chương trình ca múa nhạc dân gian đặc sắc phục vụ miễn phí cho cả du khách lẫn người dân trong tỉnh.
6/ Mặc dù mỗi ngày cao điểm, có hàng trăm lượt xe qua lại nhưng cặp đôi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh, Việt Nam) – Bavet (Svay Riêng, Campuchia) đã có nhiều nỗ lực, làm việc ngoài giờ, linh động và chủ động giải quyết các thủ tục. Hai bên đã phối hợp tạo điều kiện tối đa, không để du khách phải chờ đợi và xe cộ ùn tắc tại cửa khẩu trong những ngày cao điểm.
7/ Cần Thơ khai trương khách sạn Mường Thanh khách sạn 5 sao đầu tiên của miền Tây Nam bộ (thuộc tập đoàn Mường Thanh, nâng hệ thống chuỗi khách sạn cao cấp Mường Thanh lên 29 cái). Cần Thơ cũng nâng cấp Ngày hội Bánh dân gian thành Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, giới thiệu và hướng dẫn cách làm cho du khách. Các món ngon nổi tiếng như :Bánh tét lá cẩm, Vịt chao Thành Giao, Bánh xèo 10 Xiềm…bên cạnh những món mới như Pizza hủ tíu rất độc đáo. Ý tưởng rất hay nhưng khâu tổ chức còn nhiều luộm thuộm.
8/ CLB Hướng dẫn viên trẻ của làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) được Đoàn Thanh Niên phường Tân Quý Đông hình thành và tự nguyện phục vụ, không nhận thù lao. Khách đến làng hoa, được các bạn tận tình hướng dẫn, từ việc nhận diện từng loại hoa đến cách trồng và chăm sóc rất thú vị. Mô hình dự kiến sẽ nhân rộng sang các tuyến điểm du lịch khác của Đồng Tháp như Tràm chim Tam Nông, nhằm giải quyết việc thiếu hướng dẫn viên tại các tuyến điểm địa phương, nhất là mùa cao điểm.
9/ UBND huyện SaPa (Lào Cai) đã xử nghiêm các khách sạn lợi dụng mùa cao điểm hét giá trên trời, tăng giá vô tội vạ kiểu “Đục nước béo cò”. Mức phạt lên đến hàng chục triệu đồng mỗi đơn vị. Việc làm kịp thời này đã góp phần chấn chỉnh nạn “Tát nước theo mưa”, của những cơ sở lưu trú, căn bệnh trầm kha ở các địa phương mà nhiều nơi còn buông lỏng và chưa dám đặc trị tận gốc.
Hy vọng những điểm sáng này được khắp nơi nhân rộng, để Du lịch Việt Nam tăng tốc, bước vào mùa du lịch hè 2015 đầy kỳ vọng.
Nguyễn Văn Mỹ (UV. BCH Hiệp Hội Lữ hành VN).