Điểm đầu tiên phải kể đến là Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng KoTam, với khoảng cách chưa đầy 10 km từ trung tâm thành phố, được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục và sản phẩm phục vụ hoạt động tham quan, giải trí và ẩm thực. KoTam hiện ra như một “bức họa đồng quê” hiền hòa, tĩnh lặng ngay bên cạnh thành phố náo nhiệt, ồn ào.
Khu Du lịch KoTam được xây dựng vào tháng 08/2012, do CLB Doanh nghiệp nữ tỉnh Đắk Lắk khởi xướng. Bằng sự năng động, niềm đam mê và nhiệt huyết, KoTam nỗ lực hướng tới mục tiêu giữ gìn dòng nước đầu nguồn trong lành, kết hợp trồng cây, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu vực, tái hiện, khôi phục các bến nước lâu đời, nhà dài – cồng chiêng – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê. Tạo không gian sinh thái độc đáo, đặc trưng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào Êđê thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, tạo ra các sản phẩm sạch, giới thiệu, quảng bá các đặc sản của Đắk Lắk như: cà phê, mật ong, măng tre, các loại cây ăn quả, hương liệu, dược liệu. Quan trọng hơn, KoTam hướng tới đào tạo lao động nữ, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động tại địa phương. Góp phần khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, đồng thời đây cũng là nơi giao lưu, học hỏi, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp nữ.
Nơi đây, có dòng suối nguồn KoTam, có bến nước, ngôi nhà sàn dài đặc trưng của người Êđê, có những vườn hoa tạo thành nét điểm xuyết bên những con dốc quanh co. Quả là nơi lý tưởng để thư giãn giữa thiên nhiên dịu mát, trong lành, thưởng thức những món ăn đặc sản của Tây Nguyên.
Rời KoTam, du khách sẽ đến tham quan trải nghiệm Bảo tàng Thế giới Cà phê (thuộc Tập đoàn Trung Nguyên Legend). Bảo tàng nằm trong khuôn viên Dự án Thành phố Cà phê rộng hơn 45ha tọa lạc tại đường Nguyễn Đình Chiểu – phường Tân Lợi – Buôn Ma Thuột. Ý tưởng xây dựng một bảo tàng về cà phê được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ nhen nhóm từ năm 2007 sau khi thăm bảo tàng Jens Burg (Đức).
Bảo tàng Thế giới Cà phê được thành hình với kiến trúc mô phỏng không gian nhà dài quen thuộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Thiết kế của Bảo tàng là những ngôi nhà rông tạo thành một tổ hợp bao gồm nơi trưng bày, triển lãm, thư viện ánh sáng, nơi thưởng thức cà phê, phòng hội thảo… được kết nối với các không gian mở, mang đến sự thú vị và ấn tượng cho bất cứ du khách nào đến nơi đây.
Thiết kế của bảo tàng dựa trên nền tảng kiến trúc nhà dài và sóng âm từ tiếng chuông ngân được cách điệu thành những đường cong đa hình và uyển chuyển giao thoa với nhau để tạo nên hình khối kiến trúc độc đáo. Bên cạnh đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê còn gây ấn tượng khi sử dụng vật liệu hoàn thiện bên ngoài là các vật liệu địa phương như các phiến đá bazan được tạo nên từ quá trình phun trào núi lửa hàng trăm triệu năm về trước. Điểm nhấn là bộ sưu tập hơn 10.000 hiện vật liên quan từ một số nền văn hóa cà phê trên khắp thế giới được mang về từ bảo tàng Jens Burg của Đức (tháng 9/2010). Đến đây, du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng nhiều vật dụng hàng trăm năm tuổi. Đây được xem là một trong những bộ sưu tập dụng cụ sản xuất, chế biến cà phê phong phú nhất thế giới.
Sau khi thưởng thức ly cà phê mang hương vị Tây Nguyên đậm đà, du khách đến với Khu du lịch sinh thái Troh Bư, thuộc Buôn Niêng 3, xã Eanuon, Huyện Buôn Đôn, cách Bảo tàng Thế giới Cà phê khoảng 10km.
Giám đốc Khu du lịch sinh thái Troh Bư Nguyễn Văn Mừng chia sẻ, trước đây toàn bộ khu du lịch là rừng của người địa phương, nhận thấy tiềm năng du lịch mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng rừng, công ty đã thuê lại đất của dân và tiến hành đầu tư từ năm 2014. Trên diện tích 7 ha, công ty đầu tư từng bước. Làm hồ sinh thái, trồng cây tạo không gian, làm nhà sàn theo phong cách của người Ê đê.
Xây dựng các khu chức năng hướng tới một khu sinh thái phục vụ team building và các khu vui chơi, giải trí cho các cháu nhỏ. Khu lưu trú cho khách đoàn ở những khu nhà sàn, khu gia đình ở các bungalow…, có lửa trại, sân khấu, có không gian tập thể, khu ăn uống kéo dài xung quanh hồ, trong đó có một nhà hàng sức chứa trên 500 khách, nhà hàng nhỏ hơn sức chứa 200 khách…
Đến nơi đây, diều gây ấn tượng với du khách là sự phong phú của các loài hoa được chủ nhân dày công tìm kiếm và chăm sóc. Nhiều loài hoa dài ngày như hoa hồng, hoa tuyết sơn, mai xanh… tạo nên một không gian đa sắc màu, địa điểm lý tưởng để du khách “checkin”.
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Khu sinh thái Troh Bư đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn được nhiều người biết đến, đặc biệt trong khoảng 2 năm trở lại đây. Không chỉ trở thành địa chỉ đón khách đến Đắk Lắk du lịch, mà còn kết nối tuyến Buôn Đôn – Buôn Mê Thuột và các điểm lân cận. Năm 2019, Khu đã đón và phục vụ khoảng 60.000 lượt tại địa phương, các tỉnh miền Tây, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
“Khi Hiệp hội du lịch, Sở VHTTDL Đắk Lắk phổ biến chương trình kích cầu du lịch chúng tôi hưởng ứng ngay để chung tay góp phần cùng địa phương, cùng ngành Du lịch thu hút khách tới địa phương, giảm bớt khó khăn do dịch Covid 19 tác động đến du lịch. Troh Bư giảm 50% vé vào cổng, giá dịch vụ lưu trú giảm 20%, ăn uống giảm 10%,”, Giám đốc Nguyễn Văn Mừng chia sẻ…
Viễn Nguyệt