Nhộn nhịp các hoạt động lễ hội đón chào năm mới 2013 tại TP. Hồ Chí Minh

Không khí đón năm mới 2013 tại TP. Hồ Chí Minh
Hội hoa xuân 2013
Hội hoa xuân năm 2013 sẽ bắt đầu khai mạc từ ngày 5/2 và kết thúc vào ngày 16/2/2013 (tức từ 25 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng - âm lịch) tại Công viên Tao Đàn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. Không gian hội hoa xuân sẽ được chia thành 3 khu vực bao gồm: khu trưng bày triển lãm với gần 8.000 hiện vật hoa cá kiểng, tiểu cảnh, đá nghệ thuật của các nghệ nhân trong và ngoài nước; khu phục vụ lễ hội với các hoạt động văn hóa phong phú và khu vực có 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, quà lưu niệm… phục vụ cho các du khách đến với hội hoa xuân.
Bên cạnh đó, các chợ hoa Tết cấp thành phố năm nay cũng sẽ được tổ chức tại ba địa điểm chính là: Công viên 23/9 (Q.1, TP. Hồ Chí Minh), Công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP. Hồ Chí Minh) và Công viên Gia Định (Q.Phú Nhuận) với quy mô khoảng 1.400 gian hàng bày bán các loại hoa, cây kiểng mùa xuân đặc trưng của các vùng miền trong cả nước.
Đường hoa Nguyễn Huệ - Tết Quý Tỵ 2013
Nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho nhân dân thành phố, đồng thời tạo không khí vui tươi với không gian lễ hội và đón chào năm mới với khí thế và niềm lạc quan vào sự phát triển, vững bước đi lên của TP. Hồ Chí Minh, Đường hoa Nguyễn Huệ - 2013 với chủ đề “Lòng dân và thế nước” và tên gọi “Trái tim Việt Nam” sẽ chuyển tải thông điệp của chân lý ngàn đời: sức mạnh ở nhân dân - có được lòng dân là có tất cả, đoàn kết dân tộc để xây dựng một xã hội hưng thịnh, văn minh, bảo vệ vẹn toàn bờ cõi của Tổ quốc Việt Nam.
Các phân đoạn của đường hoa sẽ thể hiện những nét tươi đẹp đặc trưng của các vùng, miền đất nước, thể hiện sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là thể hiện biển, đảo với khẳng định chủ quyền và thông điệp mong muốn hòa bình ở biển Đông và trên thế giới của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ khai mạc vào lúc 19h ngày 7/2/2013 (tức 27 tháng Chạp) đến 22h ngày 13/2/2013 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán). Đặc biệt năm nay còn tổ chức kỷ niệm 10 năm đường hoa Nguyễn Huệ, lắp đặt 2 màn hình LED tại đường hoa và thực hiện phim phóng sự quá trình 10 năm tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ… Đồng thời, thành phố cũng sẽ tổ chức trưng bày nghệ thuật cắm hoa và tổ chức khu vực phục vụ Tết tại đường hoa, phố đi bộ trên trục đường Lê Lợi từ bùng binh cây Liễu đến đường Pasteur.
Vào dịp Tết Nguyên đán, thành phố sẽ bắn pháo hoa đêm giao thừa từ 0h đến 0h15’ ngày 10/2/2013 (tức mùng 1 Tết) tại 4 điểm: một điểm tầm cao tại cửa hầm sông Sài Gòn (Q.2) và 3 điểm tầm thấp tại: Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11); đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi); Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (Q.9).
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức trang trí phố tỏa sáng trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch và Công trường quốc tế. Tổ chức các gian hàng phục vụ Tết như giải khát, chụp ảnh, trò chơi miễn phí tại Công trường quốc tế. Thời gian phục vụ Tết Nguyên đán từ ngày 1 - 17/2/2013. Mặt khác, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố còn tổ chức chương trình biểu diễn Doorshows tại mặt tiền các đơn vị trí đóng trên các tuyến đường diễn ra lễ hội từ ngày 7 - 13/2/2013 (tức 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết).
Lễ hội Đường Sách - Tết Quý Tỵ 2013
Lễ hội “Đường sách Tết Quý Tỵ - 2013” với chủ đề “Sách và 54 dân tộc” sẽ được tổ chức từ ngày 7 - 13/2/2013 (tức từ ngày 27 tháng chạp đến mùng 4 tháng Giêng – Âm lịch), trên các tuyến đường Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), Nguyễn Huệ (đoạn từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) và Ngô Đức Kế (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ).
Lễ hội do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của Công ty Phát hành sách (Fahasa); Bảo tàng Lịch sử, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, các nhà xuất bản và các doanh nghiệp phát hành sách (in và điện tử). Lễ hội được tổ chức nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tâm hồn và nhân cách con người Việt Nam; vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.
Không gian của lễ hội được chia thành 3 khu vực: khu vực trưng bày sách thiếu nhi qua các thời kỳ - xe sách lưu động - sách cho người khiếm thị; khu vực trưng bày sách, không gian tri thức và cà phê sách; khu vực triển lãm 54 dân tộc anh em cùng bảo vệ biên giới biển đảo - trưng bày bản đồ, tư liệu ấn phẩm về biển đảo. Bên cạnh đó, lễ hội cũng giới thiệu các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi; giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (văn hóa, ngôn ngữ, nơi cư trú), bản đồ thuộc tư liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam…).
Được biết, tổng kinh phí cho Lễ hội Đường sách là khoảng 3,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 50%, phần còn lại được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Thu Hương