Hội nghị là hoạt động thường niên được UBNDTP. Hà Nội và Bộ Công thương tổ chức trong 5 năm gần đây. Năm 2020, Hội nghị là hoạt động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng nội địa, nằm trong chương trình phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và Thành uỷ UBND TP.Hà Nội.
“Đây là hoạt động thường niên hết sức có ý nghĩa trong việc chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu thị trường Hà Nội, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường nhất là trong những tháng cuối năm và phục vụ tết Nguyên đán 2021, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường” - Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Từ năm 2019 tới nay, Hà Nội đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức 17 hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp, 22 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm, phát triển 786 chuỗi cung ứng nông sản. Qua đó, đã có hơn 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ, cung cấp thông tin cho các hệ thống phân phối.
Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức hơn 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội; tại các điểm bán OCOP, các hội chợ, triển lãm; kết nối, tiêu thụ hơn 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản của các địa phương dư cung do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ và xuất khẩu…
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà phân phối, nhà sản xuất, đại diện các sàn thương mại điện tử đã thảo luận tại tọa đàm “Kết nối không khoảng cách”, với nhiều ý kiến, giải pháp xoay quanh chủ đề “Thương mại đa kênh - liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”. Cùng với sự phát triển về công nghệ, tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, thương mại điện tử càng chứng tỏ ưu thế và đã phát huy được tác dụng tích cực.
Chính vì vậy, điểm mới của Hội nghị năm nay là ngoài các đơn vị phân phối là các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng… còn có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử, đơn vị tư vấn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp tài chính... nhằm đa dạng hóa các giải pháp kết nối, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững.
Nhằm hiện thực hóa các giải pháp, thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội nghị Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử; kết nối trang nông sản an toàn Hà Nội với "Gian hàng quốc gia" trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương trao đổi hợp đồng hợp tác về việc xây dựng “Gian hàng quốc gia" trên các sàn Thương mại điện tử Sendo, Voso và Tiki; Sở Công Thương Hà Nội ký hợp tác với 28 Sở Công thương các tỉnh, thành phố liên kết, tạo kênh cung ứng - tiêu thụ sản phẩm hai chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hạ Tinh