Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt khách, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính khách du lịch nội địa 6 tháng đạt 40,7 triệu lượt khách (khách lưu trú ước đạt 19,2 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số các sự kiện và dấu ấn quan trọng của ngành Du lịch trong 6 tháng đầu năm 2017, tiêu biểu nhất là việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử 57 năm phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19/6/2017, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 14 đã chính thức thông qua dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) với 438 phiếu tán thành, chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Một số dấu ấn khác có thể kể đến như “Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững” đã thông qua Tuyên bố cao cấp APEC 2017 về du lịch bền vững với chủ đề Thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á - Thái Bình Dương bao trùm và kết nối; những chính sách của Chính phủ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch gồm thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và tiếp tục gia hạn miễn visa cho khách du lịch từ 5 nước Tây Âu. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và trong nước, như: Hội chợ du lịch quốc tế Travex (Singapore), ITB (Đức), MITT (Nga), TTM Plus (Thái Lan), Kofta (Hàn Quốc); Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2017...
Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2017 sẽ diễn ra vào ngày 08/7/2017 nhân kỷ niệm 57 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam. Các hạng mục trao giải gồm có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu đón khách du lịch vào Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hàng đầu Việt Nam; 10 khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam; 10 khách sạn 4 sao hàng đầu Việt Nam; 10 khách sạn 3 sao hàng đầu Việt Nam; 05 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô hàng đầu Việt Nam; 10 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam; 02 điểm dừng chân phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam; 07 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam; 05 khu du lịch hàng đầu Việt Nam; 10 sân gôn hàng đầu Việt Nam; Hãng hàng không vận chuyển khách du lịch nhiều nhất và Hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất.
|
TCDL đã triển khai chiến dịch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, quản lý điểm đến trên địa bàn cả nước. Nhiều hoạt động trong chương trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia Tây Bắc - Lào Cai 2017 với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” đã được triển khai ngay từ đầu năm. Ngoài ra, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện quan trọng, tăng 8 bậc, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017.
Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 13 (ITE HCMC 2017) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 7 – 9/9/2017, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn SECC, TP. Hồ Chí Minh. ITE HCMC 2017 với chủ đề “Cửa ngõ du lịch Châu Á” được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm lần thứ 50 thành lập ASEAN, sẽ tiếp tục là một trong những diễn đàn thương mại du lịch quan trọng, uy tín hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Du lịch Việt Nam và hình ảnh ASEAN như một điểm đến du lịch chung, góp phần tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghiệp du lịch giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
|
HN