Sông Hằng là kỳ quan của quả đất, nó được đặt theo tên của nữ thần đạo Hindu là Ganga (tiếng Phạn). Sông dài tới 2.500km, bắt nguồn từ nóc nhà thế giới Hymalaya, phần lớn chảy ở lục địa Ấn Độ, đi qua Bangladesh trước khi đổ ra vịnh biển Bengan với cửa sông rộng tới 30km. Khu vực Varanasi mà tôi đi qua, sông rộng tới 2,5km. Không một người theo đạo Hindu (chiếm phần đa dân số Ấn Độ) nào lại không ước ao một lần trong mỗi ngày được tắm táp, vảy nước sông Hằng lên cơ thể mình. Và đặc biệt, không một người nào trong số đó, khi chết, thân nhân của họ lại không tìm mọi cách đưa tro cốt, thi thể họ xuống… sông Hằng. Mà Ấn Độ lại có tới hơn 1 tỷ dân (đông dân thứ nhì thế giới!). Bởi thế, những hình ảnh mà tôi gửi độc giả, nó thật ám ảnh theo nhiều nghĩa…
|
Bình minh còn chưa ló, rét căm căm, những người nghèo vô gia cư vẫn đắp mảnh chăn cũ rách co ro bên góc đường. Người ăn xin tàn tật trải kín các mé sông. Người Ấn coi việc ra với sông Hằng là một nghi lễ, họ rất chịu khó ban phát cho người nghèo ở bến sông. Chim hải âu sà vào tay người, mặt trời đỏ ối bên kia sông, bầu trời lúc đen kịt, lúc trắng lốp hàng vạn dáng chim thiêng. Người Ấn theo đạo, không sát sinh, xác súc vật chết cứ ném ra đường khắc có hàng đàn quạ sà đến, chúng bay đen nhánh bầu trời, đậu kín mặt đất và các tán cây. Quạ đến để ăn xác chết,… thu dọn chiến trường. Chim các loại ríu ran, chúng quây kín các con thuyền “tuần du sông Hằng”. Người ta xếp hàng hàng vạn người, không hổ danh là lưu vực sông có mật độ dân cư cao nhất thế giới! Họ cạo tóc, cạo râu, tắm rửa bì bõm, váy áo xênh xang gợi cảm nhất. Có anh đánh răng nhổ phì phì. Có nhiều vị sư mặc áo cà sa, cầm gậy tích trượng đi quẩn quanh, từ trang phục đến sắc diện đều hết sức kỳ bí. Lắm vị sư xếp hàng trong các vách núi ven sông ngồi thiền, trước đó ngài đã kịp vã nước sông Hằng lên trán, lên cổ và cầu nguyện lầm rầm.
Và, đó cũng là lúc các lò thiêu xác người nghi ngút bốc khói. Những ngôi nhà cổ sừng sững như lâu đài. Ở đó, họ thiết kế khu xếp củi chất ngất, khu ống khói đen kịt và ngọn lửa hồng phần phật. Vài thi thể người được cuốn trong chăn đệm màu đỏ, buộc vào các cáng khiêng bằng tre, hai người cầm hai đầu cáng khênh ra bến sông chờ… đến lượt đốt. Có cậu bé bần thần để thi thể người thân nằm dọc các bậc thang xuống sông, xung quanh là cả bãi chiến trường nhếch nhác toàn hoa, rác, củi đốt dở, than tro ướt nhách. “Nhà hóa thân” xây gạch với vài cấu kiện bê tông, tất cả lấm lem tro bụi. Họ xây “giàn hỏa thiêu” hình ống, chổng thẳng lên trời như một tàu vũ trụ Con Thoi. Xung quanh các biệt thự vẫn vàng óng, đỏ ối trong bình minh. Các tòa nhà sang trọng, lắp điều hòa, sơn bóng bẩy vẫn kế bên, dường như họ vẫn kinh doanh khách sạn ở đó. Có những phần thi thể chưa cháy hết… Nhiều khi, theo quan niệm, không phải thi thể nào cũng được đốt để trở về với bến sông huyền thoại và linh thiêng của người Hindu. Những “phần người” ấy được thả thẳng xuống sông. Nhiều du khách, nhiều trang mạng lan truyền những bức ảnh rùng rợn bậc nhất về chuyện này. Đó là sự thật, hướng dẫn viên đi dọc sông Hằng của tôi cũng dùng tiếng Anh bồi chỉ cho du khách những “a dead body” (thi thể người chết, hoặc từng phần) trên sông. Như đã nói, có người coi đó là cái gì hãi hùng quá thể. Nhưng nhiều người lại thấy bình thường, đó là một táng thức cổ xưa, người ta thấy an lạc với sự về với Sông Thiêng đó, người chết chắc là đã ngậm cười, còn người sống thì thanh thản làm tròn trách nhiệm cả đời đối với người quá cố. Vấn đề còn lại chỉ là công tác vệ sinh, sự an toàn cho môi trường.
Có thể chúng ta sẽ nói chuyện đó vào một dịp khác...
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2013)