
Nhà báo Hữu Thọ
Là cây bút chính luận xuất sắc của làng báo nước nhà, luôn nêu cao tinh thần phản biện và đối thoại trong từng tác phẩm của mình, dù đã ở tuổi ngoài 80, nhà báo Hữu Thọ vẫn giữ được phong thái trò chuyện điềm tĩnh, lịch lãm đầy uyên bác. Ông đã bắt đầu câu chuyện bằng những suy ngẫm về thế sự, giản dị và bình tâm trong góc nhìn của một trí giả, một nhà báo lớn. Với tôi, cuộc gặp nhà báo lão thành Hữu Thọ là một buổi học có giá trị về nghề báo.
Mỗi dòng tin thể hiện ước ao của nhân dân
Hằng ngày, dù tuổi đã cao và sức khỏe không còn tốt như xưa, lại đang ở thời kỳ dưỡng bệnh, nhưng nhà báo Hữu Thọ vẫn giữ thói quen cập nhật tin tức thời sự và những vấn đề thế giới. Dường như ông không lúc nào ngơi nghỉ, bởi bầu nhiệt huyết và tình yêu đối với nghề vẫn luôn đau đáu trong lòng. Bày tỏ quan điểm về sự kiện trên biển Đông – vấn đề nóng bỏng, đang có những diễn biến phức tạp hàng ngày, hàng giờ, được dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan tâm, nhà báo Hữu Thọ cho biết, ông rất tâm đắc với nhận xét của một nhà nghiên cứu: “Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc không chỉ có mục đích khoan dầu, mà là thăm dò lòng người Việt Nam và thăm dò dư luận thế giới”. Trước tình hình đó, vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng, bởi báo chí không chỉ phản ánh dư luận, mà còn có khả năng tạo ra dư luận, hướng dẫn dư luận. Những thông tin trên báo chí có sức lan tỏa rất lớn, có khả năng khơi gợi tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt, đồng thời cũng có khả năng kêu gọi, tập hợp lực lượng cùng đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tuy vậy, đứng trước tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, nhà báo cần phải có một “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, không để tình cảm chi phối quá mức dẫn tới việc thông tin sai lệch, đẩy xa dư luận, gây nên những hậu quả khó lường.
Làm báo là làm chính trị, nhưng người làm báo không phải là một chính trị gia và không thể hiểu hết được những kế sách, suy nghĩ của những nhà chính trị quốc gia. Do vậy, người cầm bút cần tỉnh táo, tin tưởng và bám sát vào sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng và Nhà nước, bởi hơn ai hết, họ là những người phải chịu trách nhiệm trước hơn 90 triệu đồng bào về vận mệnh đất nước. Về vấn đề biển Đông hiện nay, người làm báo cần đưa tin một cách quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng theo luật pháp quốc tế, bày tỏ tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Chủ quyền là thiêng liêng, không có thứ “vàng” nào có thể sánh được. Song chúng ta luôn muốn ổn định, hòa bình, bởi đó là ước vọng sâu xa của dân tộc ta, hòa bình để phát triển, như Bác Hồ đã dạy, báo chí phải thể hiện nỗi ước ao của nhân dân.
“Tri túc, tri chỉ”
Suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà báo Hữu Thọ luôn tâm niệm, báo chí không phải là người thầy, mà là người bạn đường tin cậy của công chúng. Sự tin cậy chính là đánh giá cao nhất của bạn đọc đối với một tờ báo, một nhà báo. Bởi vậy, trong những tác phẩm báo chí của mình, nhà báo Hữu Thọ luôn đề cao tinh thần phản biện: phản biện xã hội và phản biện chính mình. Chia sẻ về quan điểm này, nhà báo Hữu Thọ cho biết, phản biện xuất phát từ sự không hoàn chỉnh của tư duy, do vậy, một người làm báo thông minh cần nghe sự phản biện và tự phản biện để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong xã hội, không phải sáng tạo nào cũng được mang tên tác giả tạo ra nó, nhưng nhà báo lại luôn được ký tên dưới tác phẩm của mình, đó là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao mà xã hội dành riêng cho những người cầm bút.
Mỗi hoạt động của con người đều không tránh khỏi sự sai sót, nhưng trong hoạt động của người làm báo, sai sót là điều không thể chấp nhận. Xuất phát từ tâm lý tiếp nhận của độc giả về thông tin ban đầu, nhà báo đưa tin sai lệch, chưa được kiểm chứng sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, không thể sửa chữa. Trước tình hình hỗn loạn thông tin hiện nay, nhất là trên mạng xã hội, nhà báo nổi tiếng người Hà Lan đã nói: “Thông tin nào cũng phải kiểm chứng, bình luận nào cũng phải sau khi nghe những ý kiến nhiều chiều”, đó không phải là vấn đề hoàn toàn mới nhưng lời khuyên của một người làm báo có nghề và có lương tâm với những đồng nghiệp đang cầm bút trong lúc này là rất cần thiết.
Tuy nhiên, nhà báo chỉ có thể dẫn dắt bạn đọc, không được phép dạy bảo họ. Nhà báo Hữu Thọ kể, thời nhà báo Hoàng Tùng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, việc đầu tiên ông Hoàng Tùng làm trong công tác biên tập tin bài của phóng viên là gạch bỏ hết những chữ “phải” có trong bài viết, bởi báo chí cần giúp bạn đọc tìm ra chân lý, tuyệt đối không được áp đặt, không được lên mặt dạy ai. Nhà báo Hữu Thọ cho rằng, người làm báo giỏi là người có thể dẫn dắt, định hướng cho bạn đọc như chính họ tìm ra con đường. Ông quan niệm, làm một nhà báo được yêu mến không khó, làm một người bạn đường đáng tin cậy, được xã hội tôn trọng khó hơn nhiều!
Ngày nay, trong thời kinh tế thị trường, trước những sự cạnh tranh khốc liệt, người cầm bút phải chịu rất nhiều áp lực. Tất cả các thế lực kinh tế, chính trị đều muốn chi phối truyền thông, lợi dụng truyền thông để đạt được mục đích riêng của mình. Người làm báo cũng bị những lợi ích cám dỗ, bẻ cong ngòi bút để chạy theo những thị hiếu tầm thường hay để chiều lòng công chúng…, cũng vì những lẽ ấy mà sự khen, chê không còn được sắc sảo, đúng mực. Ông lại nói thêm, cổ nhân có câu: “Tri túc, tri chỉ”, nghĩa là biết thế nào là đủ, biết dừng đúng lúc. Với người làm báo, học được “đạo dừng” là điều khó nhất!
Đã có thể gác sang bên một sự nghiệp bề thế, một danh tiếng được nhiều người mến mộ, song nhà báo Hữu Thọ vẫn luôn đau đáu với nghề, với sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Mỗi thời đều có thuận lợi, khó khăn riêng nhưng ông cho rằng làm báo thời xưa dễ hơn bây giờ, bởi những nhà báo hiện tại, dù được sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, nhưng lại chịu rất nhiều áp lực về kinh tế, sự chạy đua thời gian, sự cạnh tranh giữa các tờ báo hay cạnh tranh với đồng nghiệp để giữ được chỗ đứng của mình…, điều ấy khiến cho họ khó giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo, lý trí đôi khi dễ bị chi phối… Hoạt động báo chí trong một “thế giới phẳng” rất phức tạp, nhà báo luôn phải đối diện với những cạm bẫy, cám dỗ, những điều tưởng rằng đem lại thuận lợi cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Trước những thế sự rối ren, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nhà báo luôn cần kiên định và trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc, đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của những người cầm bút!
Làm báo phải “dấn thân”
Xã hội hiện đại với sự phát triển cao của công nghệ thông tin đã tạo nên những “nhà báo salon”, chỉ ngồi trong văn phòng, phỏng vấn nhân vật một cách gián tiếp qua email, tìm kiếm thông tin trên mạng rồi “xào xáo” lại… tạo nên những “bài báo chết” và bản sắc riêng của mỗi bài báo trở thành một danh từ xa xỉ. Đó là hiện thực và là một “vấn nạn” của báo chí đương thời. Bàn về vấn đề này, nhà báo Hữu Thọ cho rằng đó không phải cách làm việc của những nhà báo có nghề. Theo ông, việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, thu thập thông tin một cách cẩn thận, kỹ lưỡng là điều tối quan trọng trong quá trình tác nghiệp của nhà báo. Hoạt động ấy sẽ khơi gợi trong nhà báo những cảm xúc, ý tưởng sinh động, sáng tạo, để viết nên một tác phẩm báo chí thật sự khác biệt, làm cho bạn đọc cảm nhận được “những giọt mồ hôi và sự nhọc nhằn” trên từng con chữ, đem lại cho bạn đọc những thứ họ không nghe thấy được, không nhìn thấy được. Sự dấn thân của nhà báo là điều vô cùng quan trọng dù trong bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào.
Nhà báo Hữu Thọ không chỉ quan tâm tới mọi vấn đề của đời sống xã hội mà còn rất nặng lòng với văn hóa, du lịch. Theo ông, Việt Nam là một đất nước đẹp, nhưng đối với khách du lịch còn có những điều chưa đẹp, như nạn chèo kéo, chèn ép khách, nạn ăn xin tại các điểm tham quan… Để dẹp bỏ được những vấn nạn ấy không phải trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình xây dựng văn hóa ứng xử cho từng người dân Việt, tạo nguồn thu nhập cho người dân bản địa để giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Văn hóa là trầm tích của thái độ ứng xử, là mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với tự nhiên. Do vậy, chúng ta cũng cần phải có thời gian và sự kiên trì. Nhớ câu chuyện cách đây đã nhiều năm trong một chuyến công tác tại Singapore, nhà báo Hữu Thọ kể, người Singapore khi ấy mới bắt đầu có thang máy, họ đã nói với ông thế này: “Để có được một cái thang máy không khó, nhưng để xây dựng được văn hóa đi thang máy chúng tôi phải mất tới 7 năm”. Thấm thía bài học giản dị ấy, ông cho rằng các cấp, các ngành Việt Nam cần chú trọng đầu tư xây dựng văn hóa du lịch nằm trong nền văn hóa chung giàu truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc.
Nhận xét về Tạp chí Du lịch,ông nói: đây là một ấn phẩm chuyên ngành sang trọng, có giá trị lưu giữ đối với các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm tới du lịch. Để nâng cao hơn nữa vị thế của mình, Tạp chí luôn luôn cần tiếp cận với những cây bút tinh hoa trong làng báo. Thường thì, những người nổi tiếng này rất muốn những bài viết có giá trị của mình xuất hiện trên những mặt báo có số lượng phát hành lớn để gây được sự ảnh hưởng, lan tỏa trong dư luận, một mặt, họ cũng có nhu cầu lưu giữ những tác phẩm của mình trong một tờ tạp chí sang trọng. Tạp chí Du lịch là một trong những lựa chọn ấy! Không chỉ có giá trị về lưu trữ, Tạp chí Du lịch còn có khả năng tiếp cận độc giả nước ngoài. Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, Tạp chí ngày càng có sức lan tỏa rộng, không chỉ với thị trường trong nước mà còn mở ra thế giới. Đồng thời với việc quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với bè bạn quốc tế, Tạp chí Du lịch còn giúp tên tuổi của các nhà báo đến với công chúng nước ngoài.
Tôi lại nhớ, nhà báo Hữu Thọ từng nói khi ông xuất bản cuốn sách “Công việc của người viết báo”: “Làm nghề đến một mức nào đó tất phải nghĩ việc truyền nghề”. Những bài học về nghề của ông được truyền đạt một cách giản dị như những lời tâm sự, song lại khúc triết và chuẩn mực như một cuốn sách giáo khoa. Đó là sự đúc kết của hơn 60 năm trăn trở với “nghề bút mực đầy gian khó”. Nhà báo Hữu Thọ thật sự là một trí giả uyên bác, một người thầy lớn trong nghề báo!
Nhà báo Hữu Thọ (sinh ngày 8/1/1932) tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính... Bạn đồng nghiệp thường gọi ông là “người hay cãi” (từ tên cuốn sách tiểu phẩm đầu tiên của ông xuất bản 1991).
Ông là học sinh trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An - Hà Nội, tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội. Ông làm báo chuyên nghiệp từ 8/1957, là cây bút nổi tiếng với những phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Ông nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư ( 2001-2006).
Nhà báo Hữu Thọ viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn","Bàn góp sự đời" trên báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới.
Nhà báo Hữu Thọ nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm báo chí nhiều thể loại, từ bình luận, tiểu phẩm, bút ký, đối thoại đến phê phán… phản ánh chân thực muôn mặt cuộc sống, thẳng thắn phản ánh những tiêu cực mang tính cảnh tỉnh xã hội. Năm 2012, các tác phẩm chọn lọc của nhà báo Hữu Thọ đã được NXB Chính trị quốc gia tái bản. Bộ sách bao gồm 10 ấn phẩm: "Chạy"; "Chia sẻ"; "Chuyện nhà chuyện nước"; "Đèn xanh, đèn đỏ"; "Đối thoại"; "Ghế"; "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"; "Ô, dù, lọng"; "Ra biển lớn"; "Xiếc".
|
Trang Đào (ghi)