Cộng đồng người Mông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch ở Sapa. Họ đã tham gia vào một số hoạt động du lịch như dẫn đường, hướng dẫn viên, khuân vác, cung cấp lương thực, thực phẩm, bán hàng lưu niệm…
Theo kết quả khảo sát, bản Cát Cát có 610 người Mông sinh sống mà có tới 120 người tham gia hoạt động du lịch (chiếm tỷ lệ 19,7% dân số); làng Lý Lao Chải có 950 người Mông, trong đó có 121 người tham gia dịch vụ du lịch (chiếm tỷ lệ 12,7% dân số) nhưng tính theo đơn vị hộ gia đình, tỷ lệ số hộ có người tham gia hoạt động du lịch là rất cao. Ngoài ra, còn một bộ phận người Mông gián tiếp tham gia các dịch vụ này như sản xuất, mua bán thổ cẩm, hàng lưu niệm...
Một số ngành nghề truyền thống của người Mông được khôi phục và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa như nghề thêu dệt thổ cẩm, làm đồ chạm khắc bạc. Các sản phẩm chăn nuôi của các làng người Mông trước kia chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống và tín ngưỡng của từng gia đình thì nay đã bước đầu trở thành các sản phẩm hàng hóa cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Thông qua trao đổi hàng hóa, giao dịch với du khách, khả năng nắm bắt nhu cầu, giá cả thị trường của người Mông dần được nâng cao.
Người Mông ở Sapa tham gia vào rất nhiều hoạt động du lịch, có thể kể tới như :
Tham gia làm hướng dẫn viên, người dẫn đường
Từ khi có hoạt động du lịch, một số ngành nghề xuất hiện, tiêu biểu như hướng dẫn viên du lịch và phục vụ khách du lịch (mang đồ, dẫn đường cho khách du lịch) phát triển khá nhanh, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên. Mỗi một làng người Mông có một vài thanh niên làm nghề hướng dẫn viên tự phát. Đặc biệt, một số công ty du lịch đã tuyển người Mông ở các làng để đào tạo trở thành đội ngũ hướng dẫn viên. Làng Cát Cát có 5 hướng dẫn viên người Mông, làng Lao Chải có 12 hướng dẫn viên, xã Hầu Thào có 7 hướng dẫn viên....
Xét về mặt nghiệp vụ hiện nay đã có những khóa đào tạo cho hướng dẫn viên người Mông, như khóa tập huấn cho thuyết minh viên du lịch theo tiêu chuẩn VTOS tổ chức tại trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai.
Ngoài làm hướng dẫn viên, bà con địa phương còn làm người dẫn đường và khuân vác, chủ yếu là dẫn đường cho khách nước ngoài. Thanh niên người Mông hầu hết đều biết tiếng Anh do tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài.
Tại bản Cát Cát, hiện có 4 người đại diện cho 4 hộ làm công tác dẫn đường và khuân vác với thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng tham gia từ 2 - 3 đoàn, mỗi lần đi thường từ 3 - 4 ngày. Bản Sín Chải chưa có ai tham gia vào hoạt động này.
Bán hàng phục vụ nhu cầu khách du lịch
Người Mông thường bán hàng rong, đồ lưu niệm cho khách du lịch. Ngoài việc bán hàng ở thị trấn, họ còn đi theo bán đồ cho du khách tham quan tại các làng bản. Những người bán các mặt hàng này chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.
Không chỉ đi lại bán hàng, hiện nay tại các thôn bản còn có các hộ bán hàng cố định ngay trong bản. Tại thôn Cát Cát, hiện có gần chục cửa hàng bán các mặt hàng chủ yếu là đồ uống, bánh kẹo và hàng thổ cẩm. Gần thác Cát Cát còn có vài quán chuyên bán đồ nướng phục vụ khách. Thôn Sín Chải chỉ có một hộ gia đình bán đồ uống cho khách du lịch.
Cung cấp dịch vụ nhà nghỉ - homestay
Hiện nay, các thôn bản của người Mông đã xuất hiện những nhà nghỉ theo mô hình homestay. Theo thống kê, có đến 107 hộ kinh doanh lưu trú tại gia tại các xã: Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, San Sả Hồ, Nậm Sài. Toàn bộ số hộ kinh doanh lưu trú nhà nghỉ này có thể đón hơn 1000 lượt khách/đêm. Du khách sử dụng dịch vụ homestay chủ yếu là khách nước ngoài có nhu cầu khám phá, tìm hiểu về đời sống của bà con dân bản.
Cung cấp thực phẩm, dịch vụ ăn uống
Trong các bản của người Mông, đã xuất hiện một vài nhà hàng phục vụ ăn uống cho khách du lịch, chủ yếu ở xã Lao Chải. Ngoài ra, các thanh niên người Mông cũng phục vụ ăn uống cho du khách trong các nhà hàng ở thị trấn Sapa.
Tổ chức các hoạt động văn nghệ, văn hóa dân gian
Ở Sapa có 61 làng bản của người Mông thì có đến 16 làng thành lập các đội văn nghệ phục vụ khách du lịch, thu hút khoảng 200 nam nữ diễn viên không chuyên tham gia. Một số đội ở Lao Chải, thị trấn Sapa, San Sả Hồ không chỉ biểu diễn ở làng mà còn trở thành đội văn nghệ không chuyên của các khách sạn như Victoria, Châu Long, Hàm Rồng…
Bản Cát Cát, một bản ở khá gần thị trấn và là một trong những địa điểm đón tiếp nhiều du khách nhất ở Sapa hiện nay ngày nào cũng phục vụ văn hóa -văn nghệ cho du khách. Trong bản hiện nay đã có một đội văn nghệ chuyên nghiệp, tái hiện các điệu múa dân tộc. Đội văn nghệ bản Cát Cát có đến 10 diễn viên, phục vụ du khách vào các ngày trong tuần, trừ chiều thứ ba, mỗi ngày biểu diễn sáu ca.
Ngoài biểu diễn trong bản, các diễn viên người Mông còn biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tại quảng trường trung tâm trước nhà thờ vào ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Các hoạt động văn nghệ ở đây chủ yếu là biểu diễn các bài hát dân tộc và múa ô, múa khèn.
Cung cấp các dịch vụ khác
Thôn Cát Cát có 10 người tham gia vào dịch vụ chuyên chở khách bằng xe máy; thôn Sín Chải có 3 người đại diện cho 3 hộ (2% tổng số hộ). Cả du khách và người dân bản địa đều sử dụng dịch vụ này. Trung bình thu nhập từ dịch vụ này khoảng 60.000 đồng/ngày/xe, vào ngày cao điểm có thể lên đến 100.000 đồng/ngày/xe.
Như vậy, có thể thấy đồng bào người Mông tham gia hầu hết các hoạt động du lịch ở Sapa và với nét văn hóa dân tộc đặc sắc, họ là một trong những lý do chủ yếu để thu hút du khách đến đây. Do đó, cộng đồng người Mông đóng một vai trò quan trọng đối với việc phát triển du lịch ở địa phương này. Tuy nhiên, họ lại nhận được nguồn lợi kinh tế ít nhất so với các cộng đồng khác, như người Tày hay người Kinh. Một phần lớn lợi nhuận du lịch thu được từ du khách đến Sapa đều thuộc về các công ty lữ hành và các cơ sở kinh doanh du lịch ở thị trấn. Cộng đồng người Mông chỉ thu được một phần nhỏ lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ homestay hay bán hàng lưu niệm hoặc chuyên chở khách, dẫn đường cho du khách… Vấn đề này gây ra sự thiệt thòi về quyền lợi kinh tế cho đồng bào Mông.
Để nâng cao vai trò của cộng đồng người Mông trong hoạt động du lịch ở Sapa, các cơ quan, Ban, Ngành địa phương cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Song song với việc đào tạo, cần tuyên truyền, cung cấp thông tin du lịch, văn hóa đến các bản làng, tạo môi trường du lịch văn hóa, văn minh, lịch sự, hạn chế tình trạng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch. Một điều quan trọng và cần thiết, đó là đảm bảo quyền lợi kinh tế, sao cho đồng bào Mông hưởng lợi được nhiều hơn từ hoạt động du lịch. Khi họ được khuyến khích và quan tâm nhiều hơn, họ sẽ có những đóng góp theo chiều hướng tích cực hơn cho hoạt động du lịch tại địa phương. Điều này là một trong những yếu tố thúc đẩy, là tiền đề để phát triển du lịch theo xu hướng bền vững ở Sapa - một trong những địa điểm tiềm năng phát triển đô thị du lịch của quốc gia.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyen Van Lam (1999), The role of tourism in local economy, The Threats Of Ecotourism Development, The Case Of Sapa, Vietnam
2. Trần Hữu Sơn (2008), Tác động của du lịch đối với các “giao” (làng) của người H’Mông ở Sapa, Tạp chí Văn hóa-Nghệ thuật số 286/2008, tr. 16-21
3. Trần Hữu Sơn (2004) , Xây dựng đời sống văn hoá ở vùng cao, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc
Nguyễn Thị Trà My
(Tạp chí Du lịch)