Đồng thanh tương ứng
Hát xẩm là một loại hình ca nhạc đặc biệt, mỗi bài hát là một câu chuyện mang hơi thở cuộc sống nên xẩm đại diện cho văn hóa đường phố, cho số đông người dân. Vì vậy việc đưa xẩm, nhất là xẩm tàu điện - đặc sản của Thăng Long - Hà Nội, giới thiệu với công chúng Hà thành được Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhen nhóm từ đầu những năm 2000. Họ bỏ công sức nghiên cứu, sưu tầm những băng đĩa cũ ghi âm tiếng hát các cụ nghệ nhân, "xâu chuỗi" ký ức của những bậc cao niên, ý kiến các nhà nghiên cứu để dựng lại những điệu xẩm vang bóng một thời.
Phải đến năm 2005, những người tâm huyết với nghệ thuật dân tộc mới thực hiện được chương trình hát xẩm đầu tiên ở cổng chợ Đồng Xuân. Buổi biểu diễn thu hút đông đảo khán giả già, trẻ, nam, nữ đến xem. Những bài xẩm như “Lỡ bước sang ngang”; “Mục hạ vô nhân”; “Hò bốn mùa”... được công chúng dành tặng những tràng vỗ tay nồng nhiệt. "Chúng tôi không nghĩ là được nhiều người yêu thích đến thế. Nhưng ngạc nhiên và thú vị là sau đó, rất nhiều người, phần lớn là các bạn trẻ, đã tìm gặp chúng tôi với mong muốn được học hát xẩm" - nhạc sỹ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tâm sự.
Để xẩm trở lại với đời sống hiện đại, cùng với việc biểu diễn thường kỳ ở chợ Đồng Xuân, lớp đào tạo học xẩm miễn phí được tổ chức tại đình Hào Nam. Khi tin này loan đi, đã có 200 lá đơn gửi đến trung tâm, mà hầu hết là thanh niên, sinh viên ở các trường Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm, Đại học Sân khấu - Điện ảnh, đăng ký học hát xẩm và học đàn, phách, trống. Các nhạc sỹ, nghệ sỹ như NSND Xuân Hoạch, NSUT Thanh Ngoan, Thuý Ngần… cũng dành thời gian, tâm huyết truyền dạy miễn phí cách hát, cách cảm thụ xẩm cho các bạn trẻ.
Những nghệ sỹ "xẩm" hiện đại
Những giai điệu xẩm tha thiết, trữ tình, lãng mạn hát về Hà Nội như “Giăng sáng vườn chè”; “Hà thành ba mươi sáu phố” đã quyến rũ Mai Đức Thiện, chàng trai 21 tuổi người quận Long Biên. Lời bà nội kể cho Thiện về Hà Nội xưa với tàu điện leng keng, giọng hát, tiếng nhị, tiếng phách theo từng bước chân người hát xẩm rong ruổi phố phường, bỗng tái hiện. Thiện chợt cảm nhận một điều gì đó nằm trong tâm thức đã tỉnh dậy.
Khi lớp đào tạo dành cho các bạn trẻ mê học xẩm mở cửa, Mai Đức Thiện lặng lẽ nộp đơn xin học. Thấy tình cảm của Thiện dành cho âm nhạc dân gian, các nghệ sỹ đã nhiệt tình truyền dạy. Thiện kể: "Họ dạy bằng cách truyền miệng để vốn cha ông thấm dần cho tới lúc tự nhớ lời, hát được. Những người không hát được thì phải hiểu được xẩm, ý nghĩa của mỗi bài hát".
Trưởng thành từ các lớp đào tạo này, ngoài Mai Đức Thiện còn có Đức Huy, Hữu Duy, Kiều Loan, Thu Phương - những "đàn anh, đàn chị" tên tuổi.
Ở Hà Nội, trong những người đến với xẩm, đáng yêu nhất là cô bé Hoàng Anh Thái Phương, nghệ danh Thanh Thanh Tấm. Mới sáu tuổi nhưng Phương thường cùng bố là nghệ sỹ đàn bầu Hoàng Anh Tú biểu diễn ở lầu Lục Giác sau tượng đài Lý Thái Tổ. Lên ba tuổi, Phương đã líu lo bài xẩm “Mục hạ vô nhân” và những khúc dân ca Việt Nam. Phương nói: "Ngày trước, để thuộc một bài hát, cháu phải nghe từ đĩa nhiều lần, nhưng giờ đây, chỉ khoảng 30 phút là có thể thuộc lời và nhạc của một bài".
Sau thăng trầm của lịch sử, những hạt giống nối tiếp thế hệ đã nảy mầm để gìn giữ một loại hình âm nhạc độc đáo. Ký ức về thứ âm nhạc truyền thống của Thăng Long Hà Nội xưa đã trở lại và níu kéo được đông đảo người trẻ Hà thành.
Anh Tùng