Vai trò của các hang động trong du lịch
Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km² với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ. Phần lớn đảo đá vôi được kiến tạo trong quá trình lịch sử 500 triệu năm và quá trình tiến hóa karst đầy đủ trải qua hơn 20 triệu năm. Sự kết hợp của môi trường tự nhiên, khí hậu, địa chất, địa mạo làm cho vịnh Hạ Long trở thành nơi quần tụ của đa dạng sinh học, rừng, biển, đảo, đặc biệt là các loại hang động rất nổi tiếng được chia thành 3 nhóm gồm hang ngầm cổ, hang nền các-xtơ và hang hàm ếch biển.
Trong số các hang động nổi tiếng của vịnh Hạ Long được đưa vào đón khách du lịch tham quan có hang động Sửng Sốt là một hang dạng ống, nằm ở độ cao 25m so với mực nước biển hiện tại. Hang có diện tích khoảng 10.000m², chiều dài hơn 200m, chỗ rộng nhất 80m, khoảng cách lớn nhất từ nền tới trần hang xấp xỉ 20m. Hang động Thiên Cung nằm ở lưng chừng đảo Canh Độc, ở độ cao 25m so với mực nước biển, lòng động có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130m, với những măng đá như một đền đài mỹ lệ. Vách động cao và thẳng đứng được bao bọc bởi những nhũ đá và trên mỗi vách động ấy thiên nhiên đã khảm nhiều hình thù kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ ở lưng chừng vách núi và trong lòng hang được chia thành 3 ngăn chính. Ngăn phía ngoài hình vòm cuốn tràn ánh sáng tự nhiên, trần hang như một bức tranh khổng lồ vẽ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những đàn voi, những chú hươu sao, sư tử trong những tư thế sinh động. Phía dưới là rừng măng đá, nhũ đá nhiều màu với nhiều hình thù tùy theo trí tưởng tượng của từng người…
Thời gian qua, một số hang động trong vịnh Hạ Long như Thiên Cung, Sửng Sốt, Đầu Gỗ, Trinh Nữ, Bồ Nâu… có vai trò quan trọng trong việc tạo nên điểm nhấn của các chương trình tham quan vịnh Hạ Long. Không gian lãng mạn trong động cũng là điểm tổ chức các buổi hòa nhạc hoặc tiệc tối đặc sắc của các chương trình du lịch bao trọn gói, làm tăng thêm giá trị của dịch vụ. Cảnh quan trong hang động thường được gắn với các linh vật, các câu chuyện lịch sử nhằm làm tăng thêm tính thần bí, thiêng liêng của điểm đến. Tham quan hang động giúp khách du lịch mở rộng kiến thức về thiên nhiên, về địa mạo, địa chất... Sự đa dạng sinh học kích thích khách du lịch tìm hiểu thêm về các hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái biển...
Bảo vệ môi trường hang động trong quá trình khai thác du lịch
Theo tác giả Trịnh Anh Đức và Guinea (2014), tại vịnh Hạ Long đã có công bố quốc tế về điều kiện vi khí hậu và tính chất thạch nhũ cũng như có cảnh báo sơ bộ về hiện tượng thực vật đèn (quần xã thực vật và sinh vật cộng sinh phát triển ở những khu vực không có ánh sáng tự nhiên mà chỉ có ánh sáng nhân tạo) trong các hang động có chiếu sáng phục vụ du lịch. Nghiên cứu đã cho thấy, cả môi trường khí hậu, cấu trúc và hình dạng thạch nhũ có sự thay đổi từ cửa động vào sâu trong động do chịu tác động từ hoạt động của con người và điều kiện môi trường bên ngoài vịnh. Tính ổn định của điều kiện vi khí hậu chỉ đạt được khi vào sâu trong lòng hang. Tuy nhiên, tính ổn định này đang bị phá vỡ do các hang động có mở cửa phục vụ khách du lịch tham quan thường xuyên. Lượng khách du lịch gia tăng ngoài dự kiến có thể làm nồng độ khí CO2 trong hang vượt quá 5.000ppm, tạo nên quá trình ăn mòn tự nhiên trong hang. Tác động cộng hưởng của sự gia tăng nồng độ khí CO2 và các biến động về nhiệt độ có thể trực tiếp ảnh hưởng đến cường độ, thậm chí cả sự phát triển của các quá trình ăn mòn vách hang (Pulido, Bosch và cộng sự,1997). Ánh sáng trong môi trường vi khí hậu lòng hang cũng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển của thực vật. Các điều kiện vi khí hậu gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ trao đổi không khí, dòng nước và cả hàm lượng CO2 làm ngăn cản sự phát triển một số thực vật khác trong động và làm các thạch nhũ có thực vật ký sinh bị phân hóa và bị phân rã biến mùn nhanh (Trần Ngọc và cộng sự, 2014).
Một số khách du lịch do thiếu ý thức, không chấp hành quy định của điểm đến đã bẻ gãy các nhũ đá, phá huỷ thảm thực vật trong lòng hang. Một số khách còn viết lên trên các di sản tự nhiên. Rác thải hữu cơ, vô cơ từ khách du lịch ngày một nhiều gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí xung quanh hang động. Việc chụp ảnh thường xuyên, tổ chức ăn uống và các sự kiện trong động tác động trực tiếp đến điều kiện phát triển của nhũ đá: các thảm thực vật bị ô nhiễm môi trường cục bộ do thức ăn của khách rơi ra, ô nhiễm âm thanh có thể tác động đến hệ động vật và côn trùng...
Chiến lược quản lý hang động vịnh Hạ Long khoa học cùng với các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển bền vững là một yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay. BQL vịnh Hạ Long cần nghiên cứu để đưa ra dự báo sự phát triển của thực vật đèn tại hang động vịnh Hạ Long, đồng thời tiến hành xử lý các lớp thực vật đèn bằng hóa chất. Thay đổi chế độ chiếu sáng về cường độ cũng như bước sóng ánh sáng trong hang phù hợp để hạn chế sự phát triển của thực vật đèn có thể là một giải pháp phù hợp. Có nghiên cứu cho thấy, thực vật có thể phát triển chậm lại, thậm chí ngừng phát triển nếu cường độ ánh sáng giảm xuống một mức thích hợp và đèn sử dụng phát ra ánh sáng có bước sóng không phù hợp cho quá trình quang hợp (Caumartin, 1986), (Gurnee, 1994).
Bên cạnh đó, cần chủ động phân luồng khách tham quan du lịch tới các hang động hợp lý theo khung thời gian, đảm bảo hài hòa được tác động của lượng khí thải CO2 từ khách du lịch trong mỗi hang động; thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng chiếu sáng hang động đảm bảo thân thiện với môi trường; xóa những dấu vết ghi trên nhũ đá hoặc các khu vực trong hang động; đưa ra những cảnh báo và phạt nặng những trường hợp khách du lịch có hành vi vi phạm đến cảnh quan, khu vực hang động nói riêng. Ngoài ra, BQL vịnh Hạ Long hạn chế tổ chức các sự kiện, tiệc trong hang động; quy hoạch khu vực thu gom rác thải cách xa hang động…
Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Anh Đức và cộng sự, 2017 - Eco-friendly Remediation of Lampenflora on Speleothems in Tropical Karst Caves. Journal of Cave and Karst Studies.
2. Trần Ngọc, Trịnh Anh Đức, Võ Văn Trí, Trần Văn Mùi, 2014. Nghiên cứu cải tiến hệ thống chiếu sáng trong hang động vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Quảng Bình, 5: 81-88.
3. Gurnee, J., 1994 - Management of some unusual features in the show caves in the United States: International Journal of Speleology, 23(1–2): 13–17…
ThS. Hoàng Thị Thương
ThS. Hà Thị Phương Lan
ThS. Trần Thu Thủy
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)