Quá tải điểm đến là câu chuyện xưa như trái đất, bởi nhu cầu của du khách quá lớn tại một thời điểm trong khi sức chứa, nguồn cung có hạn. Năm 2022, câu chuyện quá tải càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, bởi nhu cầu “đi để giải tỏa” bùng lên sau thời gian bị kìm hãm vì đại dịch Covid. Ngay dịp đầu năm mới, tình trạng du khách ngủ vạ vật ngoài đường vì “cháy” khách sạn, nhà nghỉ đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra sau sự cố “thất thủ” ở nhiều điểm đến.
Những tưởng, đây sẽ là bài học, là “kinh nghiệm xương máu” trong việc đi “xả hơi” dịp lễ, tết; thế nhưng, không những không rút kinh nghiệm, mà dường như điểm đến càng đông, càng “hot” thì càng kích thích du khách đổ về. Xu hướng du lịch bằng phương tiện cá nhân đang trở thành trào lưu, bên cạnh đó là các loại hình combo, voucher đang nở rộ như nấm sau mưa khiến cho công tác dự báo vốn đã yếu kém nay lại càng tụt hậu. Ngay cả những địa phương được xem là “điểm nóng” về quá tải cũng không lường trước được sự biến động nhất thời về lượng khách, dẫn tới hậu quả là ách tắc giao thông, mất trật tự trị an tại điểm đến, khách không thể đặt được dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ, phải căng lều bạt ngủ ngoài đường… gây ra hình ảnh phản cảm, lộn xộn và rất không đẹp trong du lịch.
Giám đốc S-Travel Nguyễn Hồng Thắng nêu một thực trạng có lẽ là sự bức xúc chung của các doanh nghiệp lữ hành làm ăn chân chính, đó là sự “lấn sân” của các “đại lý” combo, voucher… đang áp đảo các doanh nghiệp lữ hành. Dù không có pháp nhân, không cần kiến thức du lịch và không cần chi phí đầu tư gì hết, các “đại lý” này vẫn bán tour đều đều, bằng những chiêu quảng cáo lập lờ, đưa người tiêu dùng vào một “mê hồn trận”; thậm chí ngay cả khách sạn vốn là nơi kinh doanh lưu trú thì nay cũng bán tour, mà còn bán tốt hơn cả lữ hành…
“Khoảng trống pháp lý đang bộc lộ kẽ hở lớn, bởi doanh nghiệp lữ hành phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, về nhân sự, về đào tạo, kinh nghiệm… mới được hành nghề, trong khi các đại lý lại rất thoải mái hoạt động không theo quy định nào hết”, ông Thắng bày tỏ với Tạp chí Du lịch. Không những thế, dù chỉ bán một phần dịch vụ, nhưng hầu như các quảng cáo của các “đại lý” combo, voucher không đề cập rõ điều này, mà chỉ xoáy vào mức giá (rất thấp, do chỉ bán một phần dịch vụ), tạo ra một cái nhìn sai lệch bởi khách hàng không hiểu về bản chất tour trọn gói và “một phần dịch vụ”…
Chia sẻ vấn đề này, Giám đốc Times Tour Nguyễn Thành Phương cho rằng, combo, voucher không chỉ đau đầu với các đơn vị lữ hành mà còn gây ra nhiều hệ lụy với du khách, với ngành Du lịch.
“Từ đầu vụ cao điểm du lịch nội địa đến nay đã có rất nhiều vụ ‘bóc phốt’ combo, voucher trên các mạng xã hội, gần đây nhất là vụ lừa đảo vé máy bay giá rẻ đang gây xôn xao dư luận. Đáng ngại nhất là tình trạng này đang ngày một gia tăng, nhiều cá nhân không có pháp nhân vẫn hoạt động công khai, cho thấy ‘kẽ hở’ lớn trong quản lý”, ông Phương nói.
Theo Giám đốc Kỳ Nghỉ Đông Dương Phạm Tú, mặc dù thời điểm hiện tại vẫn chưa được coi là “đỉnh điểm” về bùng nổ khách nội địa, nhưng tình trạng lộn xộn đã xuất hiện.
“Thời điểm chốt hợp đồng với khách là tháng 5, tháng 6 để triển khai tour trong tháng 7 thì giá xăng chưa tăng, nhưng trong khoảng thời gian đó, giá xăng đã tăng lên nhiều mức, khiến nhà xe gây áp lực với lữ hành về giá; rồi khách sạn cũng đã chốt điều khoản nhưng nay họ thay đổi, như phải dùng toàn bộ bữa ăn tại khách sạn, không được ra nhà hàng bên ngoài…”, ông Tú nói.
“Tình trạng khách sạn tăng giá cao đột ngột vào phút cuối ngay cả với các đơn vị lữ hành đã có hợp đồng không phải là chuyện hiếm”, Giám đốc Liên Bang Travel Từ Quý Thành nhìn nhận. “Điều này luôn là mối quan ngại của các DN kinh doanh lữ hành, mùa thấp điểm thì lưu trú hạ giá để chào mời khách nhưng khi cao điểm, khan hiếm phòng là tìm mọi lý do để thay đổi giá, ép DN lữ hành vào thế bí; họ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà đánh mất chữ tín trong kinh doanh”, ông Thành nói.
Giám đốc S-Travel đề cập đến thực trạng khác trong hoạt động lữ hành là đội ngũ nhân sự, tình trạng HDV “hủy kèo” vào phút chót khiến nhiều DN dở khóc dở cười, rồi HDV đòi công tác phí cao ngất ngưởng mới chịu “đi tour”; nhiều DN lữ hành phải sử dụng cả sinh viên (chưa có thẻ hướng dẫn). Nhà hàng tại nhiều điểm du lịch thì không theo giá niêm yết, chất lượng kém nhưng thái độ rất “bố đời”…
“Sau đợt cao điểm hè 2022 thì du lịch sẽ như thế nào? Các DN làm gì là câu hỏi ít người đặt ra. Điều đó cho thấy tư duy ‘ăn xổi’, trong khi đó định hướng từ cơ quan chức năng cũng còn rất hạn chế. Ngay cả việc kết hợp liên ngành như giao thông, du lịch, an ninh… để đảm bảo du lịch một cách lành mạnh còn chưa làm được”, ông Thắng bày tỏ.
Giám đốc Havitour Đỗ Thu Hằng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng quá tải ở hầu hết các trọng điểm du lịch. “Hiện Hạ Long ngày đầu tuần và cuối tuần đông như nhau. Dù Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã mở cửa từ 6h30 sáng để giảm tải lượng khách nhưng các đoàn đến sau 8h đều nghẽn đường vào động Thiên Cung, hang Sửng Sốt…”, bà Hằng cho hay.
Giá tàu đi Vịnh Hạ Long đã vọt từ 2,5 triệu lên 3,5 triệu/chuyến (cuối tuần giá tăng lên 4,5 triệu), không những phải“gật” mức giá này, lữ hành còn phải chấp nhận tàu chở khách đến động rồi quay về chở tiếp chuyến nữa (khách thăm động xong phải chờ tàu ra đón) vì không có lựa chọn nào khác.
Bà Hằng cho hay, để đảm bảo chất lượng dịch vụ, Havitour đã ngừng nhận các tour đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt… đến 20/7, sau đó mới tính tiếp. “Hiện tại các khách sạn 4-5 sao ở nhiều điểm ‘hot’ đã được đặt kín, các bãi biển dịp cuối tuần thì không thể chen chân được, các dịch vụ đều full, giá vé máy bay cao ngất ngưởng, nếu vẫn tiếp tục nhận tour sẽ không thể nào đảm bảo chất lượng dịch vụ…”, bà Hằng nói.
Bà Xuân Lan, Tổng giám đốc Golden Life Travel cho hay, mọi thứ đều tăng giá là khó khăn rất lớn không chỉ với du lịch mà với tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, với du lịch thì khó khăn hơn di việc điều chỉnh giá tour rất khó bởi đã ‘chốt’ tại thời điểm ký hợp đồng.
“Sự bùng nổ do quá tải khiến nhiều điểm đến nhân cơ hội để chèn ép lữ hành là có, đây là cách làm chụp giật, thiếu văn minh”, bà Lan nêu ý kiến.
“Sau cao điểm sẽ là trầm lắng, lúc đó tồn tại được hay không là do nội lực của từng đơn vị, nếu làm theo kiểu ăn xổi thì chắc chắn sẽ không thể bền được”, Tổng giám đốc Golden Life Travel nhận định.
Viễn Nguyệt