Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: là tiền đề và cơ hội hết sức quan trọng để tập trung phát triển du lịch
Có thể nói việc ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch; là tiền đề và cơ hội hết sức quan trọng để tập trung phát triển mạnh ngành Du lịch, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Đối với TP. Đà Nẵng đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) và đã có sự quan tâm đầu tư phát triển trong những năm qua; chính vì vậy khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW sẽ tạo nên động lực lớn, là cơ sở để xây dựng các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch; là cơ hội để thành phố có thể thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh hơn nữa.
Trong thời gian tới để triển khai Nghị quyết, ngành Du lịch thành phố đang nhanh chóng tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa các nội dung để thực hiện theo định hướng và tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW, cụ thể như: tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục các vấn đề còn tồn tại, gắn liền với việc thực hiện 08 giải pháp cốt lõi tại Nghị quyết trong hoạt động du lịch; thực hiện các kế hoạch tuyên truyền và nâng cao nhận thức để đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tiếp tục triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh điểm đến, đảm bảo môi trường du lịch của thành phố thật sự an toàn, thân thiện...
Bên cạnh đó, sẽ bám sát tinh thần của Nghị quyết để xây dựng Đề án về cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam) theo hướng áp dụng một số chính sách đột phá như một số địa phương Phú Quốc, Quảng Ninh, Lâm Đồng đang được áp dụng nhằm tạo bước phát triển mạnh ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và cụm du lịch 03 địa phương nói chung; Nghiên cứu sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của thành phố; Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước...
Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist: Nghị quyết của Bộ Chính trị là mệnh lệnh cao nhất
Theo ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có sự bao trùm và tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, củng cố quan điểm coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết lần này không chỉ nêu khẩu hiệu mà trong đó đã đặt ra ngay các vấn đề và giải pháp để thực hiện.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Kế cho rằng: Với một văn bản mạnh mẽ, tổng hợp và xuyên suốt như vậy, doanh nghiệp du lịch chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, với sự tham gia của toàn xã hội chức không chỉ của riêng Bộ, ngành hay địa phương nào. Hiện nay với một số vấn đề mà ngành Du lịch Việt Nam đang vướng mắc như thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, thị thực cho khách du lịch quốc tế… thì chỉ có những chỉ đạo ở tầm cao như Nghị quyết lần này mới có thể điều chỉnh, tháo gỡ, tạo hành lang để các cơ quan, Bộ, ngành cùng ngồi lại và tìm ra giải pháp tối ưu nhằm mang lại lợi ích tối đa cho đất nước chứ không chỉ riêng cho ngành Du lịch.
Ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel: Nghị quyết 08-NQ/TW giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả
Nghị quyết 08-NQ/TW được sự hưởng ứng từ các cấp chính quyền trung ương và địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch. Theo đó, các kế hoạch, chủ trương phát triển du lịch của doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn; các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các tài nguyên du lịch. Vì vậy, Nghị quyết 08-NQ/TW có tác dụng rất tốt cho việc các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách cũng như tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và nhanh nhất.
Trong năm 2017, Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, từ 1/1/2017, Việt Nam thí điểm thực hiện cấp visa điện tử (e - visa) trong 2 năm cho du khách quốc tế đến Việt Nam là cơ hội tốt để đưa Du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần được giải quyết như: kinh phí xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam ra nước ngoài còn hạn hẹp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu không giải quyết phù hợp và kịp thời những vấn đề trên thì đó sẽ là rào cản cho việc phát triển Du lịch Việt Nam.
PV