Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Vista Vũ Thế Bình đánh giá cao tầm quan trọng của các doanh nghiệp (DN) lữ hành, là mũi nhọn tiên phong trong lĩnh vực du lịch ở bất cứ quốc gia nào, nhưng cái khó của lữ hành là làm dịch vụ trực tiếp với khách nên liên quan đến nhiều hoạt động của xã hội, nhiều quy định của pháp luật. “DN lữ hành để vươn lên được phải nắm được các vấn đề quan trọng trong xã hội, đó là quy định của pháp luật. Gần đây, Nghị định số 45/2019/NĐ - CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong du lịch đã được ban hành. Đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động, lợi ích cũng như trách nhiệm và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Ban Chấp hành đã nghiên cứu, thảo luận nhằm phổ biến những quy định phải chấp hành và góp ý những điều chưa hợp lý” ông Bình nói và lưu ý các DN “cần nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan mật thiết với mình vì quyền lợi của DN cũng như của khách hàng; làm sao để khống chế được các hoạt động phi pháp, lộn xộn trong thời gian qua, tạo điều kiện cho cácDN làm ăn chân chính”.
Phó Chủ tịch thường trực Vista Phùng Quang Thắng giới thiệu về triển khai Nghị định số 45/2019/NĐ-CP, trong đó nhấn mạnh về vấn đề hướng dẫn viên (HDV): DN tổ chức tour phải sử dụng HDV hợp lệ; có thẻ HDV, phải ký hợp đồng với HDV và nhiều chi tiết liên quan khác.
Đại diện Công ty Du lịch Việt kiến nghị về việc khách bỏ trốn ngoài ý muốn nhưng lại xử phạt, thậm chí rút giấy phép lữ hành của DN là chưa thật sự thỏa đáng. Trên thực tế, nhiều DN mắc chỗ này bởi đối tượng cố tình làm hồ sơ giả đến cơ quan công an cũng không phát hiện được, thì DN cũng “bó tay”, trường hợp đối tượng chọn lúc nửa đêm để trốn thì HDV cũng không thể thức canh... Theo ý kiến của đại diện Du lịch Việt, các DN cũng như Hiệp hội cần kiến nghị tháo gỡ vấn đề này để tạo điều kiện cho các DN hoạt động.
Đại diện Kim Liên travel kiến nghị việc HDV nước ngoài phải theo đoàn vào Việt Nam, nhưng DN lữ hành Việt Nam có HDV (người bản địa) đi cùng thì vẫn đảm bảo các quy định của Luật, không thể xử phạt vì lý do sử dụng HDV nước ngoài như trong nội dung Nghị định. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập cảnh và lực lượng Biên phòng cần thống nhất trong việc cấp thị thực cho HDV nước ngoài theo đoàn vào Việt Nam là theo DN, không phải khách du lịch thuần túy.
HIS Sông Hàn kiến nghị việc phổ biến các văn bản quản lý đến các DN nắm được các chủ trương cũng như chính sách quản lý của nhà nước, tranh bị phạt oan. DN này cũng đề xuất làm rõ thêm vấn đề khách xin phép tách đoàn mua sắm thì có bị xem là không quản lý khách theo hành trình tour và bị xử lý không; hay việc không tổ chức tour cho các đại lý cần quy định rõ ràng bởi có nhiều lý do khách quan khiến việc tổ chức tour không thực hiện được...
Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ một số vấn đề như ký hợp đồng HDV theo ngày, theo từng tour có được chấp nhận không; lưu hồ sơ trên máy tính có được chấp nhận không; việc báo cáo định kỳ làm sao để xác nhận cho DN; khi doanh nghiệp phát hiện khách bỏ trốn thì báo cáo cho ai, khi nào; khi sử dụng phương tiện vận chuyển ở các vùng sâu, vùng xa, nếu chưa đáp ứng trang thiết bị mà bị xử lý về phương tiện thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hành trình tour; phương tiện vận chuyển phải có trang bị ưu tiên cho người cao tuổi, người tàn tật đáp ứng thế nào...
Theo ông Thắng, vấn đề ý thức chấp hành của HDV trong việc đáp ứng điều kiện hành nghề đang là rào cản cần tháo gỡ để nâng chất lượng sản phẩm du lịch, đảm bảo quyền lợi cho du khách và tuân thủ quy định của pháp luật.
“Nghị định số 45/2019/NĐ - CP khá cụ thể và chi tiết. Chúng tôi hy vọng Nghị định sẽ đưa hoạt động du lịch vào nề nếp hơn”, Phó Chủ tịch thường trực Vista bày tỏ.
Viễn Nguyệt