Tranh chữ thập chiếm chỗ tranh thêu truyền thống
Dọc đường quốc lộ 1, từ thị trấn Thường Tín, cứ cách vài mét là có một các cửa hàng bán và trưng bày sản phẩm thêu. Thế nhưng bây giờ, lãi chính từ các cửa hàng này lại là tranh thêu chữ thập. Cái hình ảnh các bà các cô chợ Vồi cắm cúi bên những bức tranh chữ thập, như một sự đối lập đáng buồn ở ngay đất thêu. Chị Diệu, chủ cửa hàng Thu Diệu nằm ngay Quốc lộ 1, cho hay chị có hẳn một đội ngũ các thợ thêu – vốn là các thợ thêu chính gốc Quất Động – để chuyên thêu chữ thập bán cho khách. Cửa hàng cũng trưng bày sản phẩm tranh chữ thập là chủ yếu, tranh thêu truyền thống rất ít, hoặc phải chờ vài hôm mới có hàng. Bốn bức tứ quý mai, lan, cúc, trúc thêu theo lối truyền thống, đóng khung gỗ đẹp ở đây có giá 1,6 triệu đồng. Tranh có lát nền (thêu nền toàn bộ) đàng hoàng, dù chỉ là hàng thêu rối (theo con mắt những người thợ có nghề) thì cũng là sản phẩm kỳ công. Thợ thêu ở đây nói cái giá đó với chất lượng tranh như vậy là phù hợp. Trớ trêu là bốn bức tứ quý kích thước tương đương, khung gỗ tương đương, là thêu chữ thập, treo ngay cạnh đó, không thêu nền, giá tới bốn triệu đồng. Chị Diệu nói tranh chữ thập nhiều người mua hơn, giá bán đắt hơn, dù thêu rất dễ: “Thêu truyền thống là phải thợ cứng, chứ thêu chữ thập này ai chả thêu được’. Cửa hàng Tùng Anh, cách đó vài trăm mét, lúc nào cũng tấp nập khách hỏi mua tranh chữ thập. Mua tranh để thêu cũng có, mua tranh thêu rồi cùng có. Cửa hàng treo toàn bức tranh chữ thập khổ lớn – vốn đã vạch ô đánh số, chỉ cần biết cầm cái kim là có thể thành tranh. Ông chủ Tùng Anh bảo tranh chữ thập còn đắt hơn tranh thêu truyền thống. Mà nhu cầu tranh chữ thập ngày càng nhiều, thu nhập cửa hàng giờ chủ yếu từ tranh chữ thập, làm khung tranh. Ở xưởng thêu Ánh Mạnh, làng Phương Cù, hàng ở đây vốn toàn hàng thêu kỹ, dành cho xuất khẩu, làm không đủ cung, nhưng cũng bắt đầu chuyển dần sang thêu chữ thập. Hai vợ chồng chia nhau, chị Mạnh vẫn làm hàng truyền thống, anh Ánh tuyển đội thợ riêng làm tranh chữ thập.
Thợ thêu bỏ nghề làm công nhân
Nguyên Bì, làng thêu ren nổi tiếng xưa kia, giờ đã gần như mất hoàn toàn nghề thêu ren. Làng thêu Quất Động, quê hương ông tổ nghề thêu Lê Công Hành thợ thêu đếm trên đầu ngón tay. Làng thêu Đào Xá, nơi đầu tiên ông Lê Công Hành dạy nghề, giờ chỉ còn một vài người thêu hàng nhỏ lẻ.
Bà Phạm Thị Thoa là người thợ duy nhất vẫn còn thêu ở Nguyên Bì, nhưng cũng thêu tranh, không thêu ren nữa. Năm xưa có cả đoàn khách Ba Lan đến đặt bà hơn 30 bức thêu chân dung Đức Mẹ Maria, nghe đâu để tặng chính phủ. Giờ rảnh rỗi bà vẫn giở mẫu cũ ra thêu. Cả làng hình như chỉ còn bà là vẫn cần mẫn với nghề, vì bà đã cao tuổi, không còn lo cơm áo gạo tiền như trước. Trước kia, con gái con rể bà cũng thêu, nhưng giờ cả hai đi làm công nhân, lương tháng hơn ba triệu, đỡ vất vả hơn thêu nhiều. Cùng làng Nguyên Bì, chị Mai, giờ mở quán giải khát nho nhỏ. Từ dạo sinh con, chị cũng bỏ thêu. Cách đây chỉ hơn chục năm, xưởng thêu nhà chị làm không hết việc. Chị học thêu từ nhỏ, cả phương pháp thêu chữ nhân – một cách thêu rất khó – chị cũng giỏi. Nhưng giờ thêu không bằng làm việc khác, gần chục năm không thêu, chị bảo cầm kim lại có khi thêu chả đẹp như trước.
Anh Bùi Lê Thuần (làng Quất Động) trước kia nổi tiếng với kỹ thuật thêu cả hai mặt. Từ những năm 90 thế kỷ trước, anh và vợ thêu không biết bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu. Có dạo trong nhà có hơn chục khung thêu, chục tay thợ làm liên tục. “Hồi đấy một tháng cũng phải bảy tám triệu. Bây giờ có làm thu nhập chỉ khoảng ba bốn triệu. Vừa bị tư thương ép giá, lại buồn vì người ta cứ lẫn lộn hàng xấu hàng đẹp, chẳng muốn làm nữa”, anh Thuần ngáo ngán. Giờ anh gác khung lại, làm thợ sửa chữa điện, thu nhập nhì nhằng nhưng thoải mái. Vợ anh cũng làm trong khu công nghiệp, lương hơn cả thợ thêu “xịn”. Anh Thuần bảo riêng quanh nhà anh hai cây số đổ lại, không còn ai thêu nữa. Làng thêu Quất Động khi xưa có hai nghệ nhân từng thêu tranh Bác Hồ, giờ chỉ còn nghệ nhân Quốc Sự. Thợ thêu lành nghề và thợ thêu tranh đơn giản như tranh chữ thập, bây giờ cũng cùng một giá, bảo sao người ta không mặn mà với nghề.
Du lịch làng nghề hiệu quả còn xa
Giữ nghề thêu còn khó, nói gì mang nghề ra phát triển du lịch. Mang tiếng làng văn hóa du lịch nhưng ở những ngôi làng này hầu như không có hoạt động gì để đón khách. Đền thờ tổ nghề thêu tại Quất Động đã xuống cấp nhiều năm. Tất cả các làng thêu Thường Tín đều không có một khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm nào hiệu quả. Anh Bùi Lê Thuần kể đã từng cùng nhiều thợ thêu xin một khu đất, anh em tự bỏ tiền ra để làm thành nhà trưng bày, trong đó sẽ lưu giữ cả lịch sử nghề thêu, các kỹ thuật thêu cùng những sản phẩm mới nhất. Nhưng cả chục năm nay, đề nghị này vẫn đang chỉ ở mức “chờ xem xét”. Khách du lịch có vào khu vực Làng văn hóa du lịch cũng không biết tìm thông tin hay sản phẩm ở đâu. Không sản phẩm, không hoạt động, thợ bỏ nghề, làng thêu cứ chết từ từ mà chẳng mấy ai ngạc nhiên.
Thực tế những sản phẩm làng nghề chưa bao giờ bị ruồng bỏ trên thị trường trong và ngoài nước. Khách du lịch vẫn rất thích sản phẩm thêu. Anh Thuần kể có những mẫu tranh anh thêu hơn chục năm nay, giờ vẫn có người đặt mua. Nhưng thiếu những sự đầu tư bài bản, những chiến lược dài hơi cho làng nghề, những làng thêu ở Thường Tín chấp nhận cảnh mai một dần, bị cạnh tranh với sản phẩm kiểu công nghệ và không hề mang bóng dáng nghệ thuật gì như tranh chữ thập. Trong khi ấy, những kỹ thuật thêu xưa như thêu chữ nhân, hay những mẫu thêu cổ cũng chẳng mấy ai còn lưu giữ.
Số lượng làng nghề miền Bắc hiện chiếm gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước với hơn 2000 làng nghề, trong đó tập trung nhiều nhất và mạnh nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng. Thế nhưng trong vòng quay thời hiện đại, có không ít nghề đã biến mất, hoặc đang vật lộn với đời sống hiện đại, dù nhu cầu vẫn luôn có. Rất hiếm nơi nào có thể tận dụng để phát triển du lịch. Điển hình như Bát Tràng thì thu nhập từ khách du lịch vẫn “chưa ăn thua��� so với tiềm năng và nhu cầu. Các làng nghề khác đều không có đường hướng phát triển du lịch cụ thể lẫn cách thức hút khách. Những sản phẩm nghề cuối cùng chỉ làm lợi cho các tay “cò”, còn chính người dân địa phương thì tìm cách bỏ nghề.
Không phải bản thân người làng nghề muốn bỏ, mà họ “lực bất tòng tâm”. Nỗ lực của riêng họ, làm sao mà đủ vực dậy cả hệ thống làng nghề đang dần dần bị mai một.
Phương Mai
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)