“Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2009 hướng tới chủ đề chính là “Diên Hồng Văn hoá - Hệ giá trị Việt Nam - Hội tụ - Kết tinh và Tương Lai”. Sự kiện này được xem như là một “hội nghị Diên Hồng về văn hóa”, với mục đích củng cố, phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam vốn được xây dựng, vun đắp trên nền móng văn hoá, đạo lý, tình cảm qua hàng nghìn năm cùng nhau dựng nước và đấu tranh giữ nước, giành độc lập - tự do - hoà bình - hữu nghị - hội nhập - phát triển - hạnh phúc, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá làm người.
Trong suốt hai ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa phong phú, độc đáo, ấn tượng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đảm bảo thiết thực, tiết kiệm. Cụ thể là: 22 tỉnh tham gia triển lãm sản phẩm văn hoá, du lịch, sản vật địa phương với 57 gian triển lãm; 29 tỉnh tham gia chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật và trang phục truyền thống các dân tộc với hơn 80 tiết mục; 23 tỉnh tham gia trình diễn trò chơi dân gian, thể thao dân tộc với 23 trò chơi dân gian và 2 môn thể thao dân tộc; 26 tỉnh tham gia Hội nghị nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản với chủ đề “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam với việc hiểu biết và giao lưu giữa các dân tộc”; 20 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL tham gia triển lãm tài liệu, hiện vật mỹ thuật, nhiếp ảnh, sách báo, chiếu phim (trong đó có 5 bảo tàng) và trình diễn văn hoá nghệ thuật (Nhà hát cải lương Việt Nam với vở “Cung Phi Điểm Bích”; Liên đoàn Xiếc Việt Nam…).
Chương trình tối 19/4/2009 có hai phần lễ và hội, sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam (từ 20h00 - 21h30). Phần lễ công bố Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 về “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” diễn ra trước (khoảng 25 phút). Phần Hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc (65 phút), gồm 5 chương: Hội Xuân đất nước; Quê hương sử thi; Giao duyên; Khát vọng - Tình yêu và Thử thách; Việt Nam - Tổ quốc mến yêu. Bản hợp xướng “Việt Nam - Tổ quốc mến yêu” sẽ gồm 4 chương là Cội nguồn, Quật khởi, Đi tới và Diên Hồng. Chương trình sẽ kết thúc với màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Trong khuôn khổ hai ngày lễ hội sẽ tái hiện mô hình 5 không gian văn hóa: vùng núi phía bắc (Tây Bắc - Việt Bắc); Hà Nội - trung du - đồng bằng và Bắc Trung bộ; Trường Sơn - Tây Nguyên; Huế - miền Trung và duyên hải; TP. Hồ Chí Minh - đồng bằng Cửu Long - mũi Cà Mau. Bên cạnh đó, cũng tái hiện hình ảnh 4 nhân vật lịch sử của dân tộc ta, đó là: vua Hùng; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi; đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” được tổ chức thường niên sẽ là một sự kiện văn hoá – xã hội – chính trị có ý nghĩa trọng đại, hiệu quả to lớn về nhiều mặt trong bối cảnh đất nước tham gia quá trình “toàn cầu hoá” và hội nhập./.
Trang Lê