
Lễ hội Chăm
Quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa – Du lịch các Tân tộc Việt Nam được mô phỏng theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1. Quần thể tháp tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000m2 bao gồm: tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9m. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một linga đá trên nóc tháp. Công trình do những nghệ nhân người Chăm trực tiếp xây dựng, dưới sự tham gia góp ý của ông Sử Văn Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Theo ông Ngọc, quần thể tháp Chăm ở đây đã đáp ứng được yếu tố quan trọng nhất đối với người Chăm là yếu tố phong thủy, với một hồ nước phía Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Lâm Tấn Bình chia sẻ: “Đã từ vài thế kỷ nay, những người thợ Chăm cũng mất đi một số tư liệu truyền thống, nhất là về mặt điêu khắc, kiến khúc, mỹ thuật, Khi nhìn thấy ngôi tháp kỳ vĩ như thế này, chúng tôi thấy rất khâm phục những người thợ thi công, trong đó cũng có sự đóng góp của bà con dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận”.
Cũng tại buổi lễ, cộng đồng dân tộc Chăm đã tái hiện lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bà Ni, trong lễ hội còn có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc Chăm như Chăm Islam, Chăm H’Roy, H’Rê, Raglai, Qua đó, giới thiệu với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tối ngày 23/11/2012, tại Quảng trường Tây Nguyên, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có một chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam và khánh thành Quần thể tháp Chăm. Chương trình sẽ trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và thế giới.
Vũ Thanh