Mấy mươi năm qua, đua ghe ngo được tổ chức trên đoạn sông Maspero ở Sóc Trăng. Mỗi năm ghe ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok – Om – Bok. Vì vậy, người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật. Trước cuộc đua, họ luyện tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp sau đó mới tập bơi dưới nước. Người ngồi mũi ghe để chỉ huy cho cả đoàn đua phải là người có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong phum sóc. Theo Hòa thượng Thạch Song trụ trì chùa Bưng Sa (xã Viên An – Trần Đề): “Đua ghe ngo không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng. Mỗi chiếc ghe ngo có những biểu tượng khác nhau, có thể là hổ, là sư tử, là cá poon – co, là rồng… và được điêu khắc ở mũi ghe”.
Đua ghe ngo là môn thể thao hấp dẫn, sôi động và hào hứng. Mỗi đội có một kỹ thuật, chiến thuật thi đấu riêng. Vào ngày đua, cả một đoạn sông chật kín người hai bên bờ, tiếng trống, tiếng nhạc ngũ âm, tiếng còi rộn rã từng hồi. Khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát, từng cặp ghe đua phóng nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa vang vang hòa trong tiếng reo hò cổ vũ náo động cả mặt sông.
Kịch tính thi đấu là vậy nhưng mọi người không quá đặt nặng chuyện thắng thua, bởi phần thưởng lớn nhất chính là tinh thần đoàn kết và sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Anh Thạch Sang đội trưởng đội ghe ngo chùa Trà Quýt (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Đua ghe ngo là một trong những sự kiện quan trọng mà đồng bào chúng tôi chờ đợi nhất trong năm. Nhìn những chuyến ghe thi nhau lao về phía trước trong tiếng reo hò vang dội, bao muộn phiền, mệt nhọc bỗng tan biến hết. Tình cảm của các dân tộc anh em từ đó mà thêm gắn kết, bền chặt hơn. Mặc cho cái nắng oi ả, hàng trăm nghìn người, già có, trẻ có, đứng dọc hai bên dòng sông Maspero cùng hò “Hây dơ dơ hây dơ môn” thật hào hứng và sôi động.
Chiếc ghe ngo thường được làm bằng cây sao hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía; đầu ghe ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe ngo có nhiều đường cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, người Khmer gọi là cây cần câu. Cây này được làm bằng cây tràm vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt. Trên đường cong đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 đến 58 chỗ cho người ngồi bơi và chỉ huy. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe ngo của chùa mình. Ghe ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa.
Lễ hội đua ghe ngo đã trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng. Có dịp đến lễ hội Ok Om Bok du khách sẽ được hòa mình trong không khí vui tươi mang đậm tình đoàn kết của ba dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer. Về với vùng sông nước Sóc Trăng, xa rời phố thị ồn ào và tạm quên đi những toan tính thường nhật. Du khách đừng quên tham gia lễ cúng trăng, thưởng thức cốm dẹp và thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Mỗi năm có đến hàng nghìn vận động viên không chuyên tham gia cuộc thi, trong đó có cả những đội ghe nữ. Các đội ghe luyện tập hàng tháng trời để chuẩn bị cho cuộc thi, những chiếc ghe ngo luôn được bảo quản và kiểm tra rất kỹ. Môn thể thao truyền thống này đã trở thành một sự kiện văn hóa truyền thống lớn ở Việt Nam.
Phương Nghi
(Tạp chí Du lịch)