Phát biểu tại buổi tọa đàm sáng 22/2 giữa Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cùng một số đơn vị liên quan với các chuyên gia WB, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết, DLVN thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, lượng khách – doanh thu tăng, tuy nhiên sự tăng trưởng “nóng” đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Dẫn số liệu báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2017, Thứ trưởng Tùng cho rằng năng lực cạnh tranh của DLVN xếp hạng 67/136 quốc gia, xếp thứ 5 trong Asean là “thấp”, cùng với đó là nhiều vấn đề khác như môi trường bị tác động, quản lý điểm đến, hạ tầng quá tải, quảng bá xúc tiến còn yếu....
“Chính vì vậy, việc tiếp nhận các báo cáo của chuyên gia nhiều kinh nghiệm như WB là hết sức quan trọng, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển, định hình xây dựng chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến 2030”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.
Theo ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Chương trình/phụ trách kinh tế WB, DLVN phát triển thể hiện qua số lượng khách cũng như nhiều điểm đến được thế giới đánh giá cao, hiệu quả của du lịch mang lại đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào GDP đất nước, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, đóng góp lớn vào xóa đói giảm nghèo nhất là ở những vùng chậm phát triển, vùng sâu vùng xa. “DLVN còn nhiều dư địa để phát triển, tuy nhiên cần tập trung nâng cao chất lượng, không nên chạy theo số lượng để đảm bảo 3 yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường. Cần chiến lược dài hơi để thực hiện các vấn đề trên”, ông Sebastian Eckardt nhận định.
Báo cáo của ông Nikola Kojucharov, chuyên gia WB cho thấy, DLVN đã trải qua thời kỳ “bùng nổ”. Lượng khách quốc tế tăng từ 4,2 triệu lượt năm 2007 lên 12,9 triệu năm 2017; du lịch nội địa cũng tăng rất mạnh, từ 19,2 triệu năm 2007 đến 74,2 triệu năm 2017.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu như vậy, song DLVN còn những điểm yếu. Không chỉ đi sau nhiều nước trong khu vực về dịch vụ, hạ tầng (giao thông, sân bay) mà ưu tiên cho du lịch cũng còn hạn chế. Đặc biệt, ông Nikola Kojucharov nhấn mạnh đến yếu tố bền vững môi trường (xếp thứ129 trên toàn cầu) và chế độ thị thực “ít cởi mở”. Về cơ cấu khách du lịch, cần lưu ý khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực Đông Bắc Á chiếm tới 56% tổng lượng khách (2017), 13 % đến từ các nước trong khu vực, lượng khách từ các thị trường Tây Âu, Đông Âu còn thấp…
Sự quá tải du lịch ở nhiều trọng điểm tại một số thời điểm và việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ tràn lan không tuân thủ quy hoạch cũng là vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn do tư nhân xây dựng đã phá vỡ không gian tổng thể, ngay trong khu dân cư cũng mọc lên khách sạn cao tầng. Hay như tại Quảng Ninh, vài năm trở lại đây đã mọc lên những dãy phố, những cửa hàng dịch vụ che khuất tầm nhìn ra biển, khiến sự hứng thú của du khách giảm đáng kể khi đến thăm Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới…
“Tất cả những vấn đề này có ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của khách, khiến tỷ lệ khách quay lại thấp và không hài lòng với chất lượng và sự sẵn có của các sản phẩm du lịch Việt Nam. Ngành Du lịch cần có giải pháp đa dạng hóa, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm để tránh quá tải. Nhất là mùa cao điểm”, ông Nikola Kojucharov khuyến cáo.
Đồng tình với ý kiến này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, dư địa của du lịch còn rất lớn, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch thực sự nhưng vẫn chưa thu hút được khách. Do vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WB tại những vùng còn nhiều khó khăn để hạ tầng đi trước một bước, từ đó tạo đà thúc đẩy du lịch.
Tuy nhiên, về thực trạng khách du lịch quay lại thấp, ông Tuấn cho rằng khách du lịch có xu hướng mỗi năm đi khám phá một điểm đến mới, do vậy khách ít quay trở lại không có nghĩa là DLVN có vấn đề.
5 khuyến nghị chính sách được các chuyên gia WB nêu ra cho ngành Du lịch, gồm: đa dạng hóa sản phẩm và thị trường; tăng cường nguồn nhân lực du lịch và liên kết địa phương; quản lý luồng du khách; tăng cường cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo bền vững môi trường; điều phối chiến lược trong quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá cao nghiên cứu của các chuyên gia WB, với cách tiếp cận khách quan, phương pháp đánh giá khoa học, khuyến nghị cụ thể, nhất là tình hình khách quay lại. “Việt Nam phải thu hút khách du lịch quay trở lại, đó là sự phản ánh rõ nét nhất sự chuyển đổi từ lượng sang chất”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh và mong muốn báo cáo sớm hoàn thiện, góp phần vào việc định hình, xây dựng chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Việt Hùng