Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: phồn là tốt, nhiều; thực là đầy đủ và phồn thực nghĩa là nảy nở ra nhiều. Nét phồn thực trong tranh dân gian Đông Hồ cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà đó là ước nguyện, mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, đông đúc, vạn vật được sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu, cây cỏ xanh tươi, hoa quả nặng trĩu cành…

Tranh lợn đàn thể hiện cho khát vọng về sự sinh sôi, nảy nở
Văn hóa nước ta xuất phát từ cái gốc nông nghiệp. Khát vọng của cư dân nông nghiệp là sự sinh sôi, nảy nở trong cuộc sống con người và vạn vật. Do đó, tín ngưỡng phồn thực như một mạch sống bền bỉ thẩm sâu trong tiềm thức của người dân Việt, trở thành thuộc tính văn hóa sâu đậm với những biểu hiện đặc sắc trong nghệ thuật suốt tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.
Dòng tranh dân gian Đông Hồ được sáng tạo ra bởi những người nông dân và để phục vụ người chơi tranh, phần lớn cũng là nông dân, họ có sự cảm thụ nghệ thuật hồn nhiên, chân chất và mộc mạc. Bởi thế, tranh Đông Hồ là những tác phẩm mỹ thuật thẩm thấu sâu sắc cội nguồn lịch sử dân tộc cùng những giá trị tinh thần nhân văn và khát vọng về sự sinh tồn thuần Việt.

Tranh đánh ghen và hứng dừa là hai bức tranh được nhận định có sự biểu tả sống động về nét đẹp phồn thực
Những người nghiên cứu văn hóa dân gian còn thấy rằng, ở dòng tranh dân gian Đông Hồ có một số tranh vẽ nhấn về hình khối phồn thực khá kỹ, được xem là một vẻ đẹp của sự sáng tạo “ngoạn mục” về phồn thực trong mỹ thuật như: đánh ghen, hứng dừa… Nếu trong tranh đánh ghen biểu tả trực diện vẻ đẹp của cơ thể thì trong tranh hứng dừa dừng lại ở tính ẩn dụ với hình ảnh chàng trai tung hai trái dừa và cô gái tung cao váy xòe hứng mang ẩn ý âm dương. Đó cũng là điều làm nên sự khác biệt, nét đặc trưng trong sự biểu thị phồn thực của tranh dân gian Đông Hồ. Những ước mơ giản dị, chất phác, thân thuộc của người nông dân xa xưa chính là cái đẹp đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ một cách tự nhiên, sống động với những nét vẽ thô mộc, khỏe khoắn, bố cục chặt chẽ, đông đúc, màu sắc tươi trong, tự nhiên…
Mặc dù, xã hội hiện đại không còn thuần nông, những ước mơ, khát vọng của con người hôm nay đã lớn hơn rất nhiều chứ không chất phác, bình dị, hồn nhiên như xưa nhưng nét đẹp phồn thực nói riêng, vẻ đẹp của dòng tranh dân gian Đông Hồ vẫn có ý nghĩa và chỗ đứng nhất định trong cuộc sống người dân Việt.
Bài, ảnh: T.C