Khu chợ hoa "không ngủ" Hồ Thị Kỷ
Trong số địa điểm nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán chắc chắn không thể thiếu khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ, bởi đây là khu chợ mà hàng hóa rẻ nhất tại Sài Gòn và cũng là địa chỉ đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi mua hoa tươi.
Nằm ẩn mình trong khu chung cư Lê Hồng Phong (quận 10), được bao bọc bởi những tuyến đường rộng như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, chợ hoa Hồ Thị Kỷ hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày, luôn nhộn nhịp, tấp nập mua bán vào lúc rạng sáng. Trong những ngày giáp Tết, chợ lại càng sầm uất và hối hả hơn, người dân Sài thành vẫn quen gọi đây là khu chợ không ngủ!
Khu chợ gần 30 năm tuổi được mệnh danh là “cao nguyên Langbiang giữa Sài Gòn”, là đầu mối cung cấp hầu hết các loại hoa đẹp chuyển về từ Hà Nội, miền Tây và nhiều nhất là Đà Lạt. Từ các loại hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền, cát tường đến các loại hoa lan hồ điệp, hoa hồng, hướng dương, lưu ly,… đều xuất hiện trong các sạp hoa và luôn rạng rỡ khoe vẻ đẹp rực rỡ đầy màu sắc lung linh, làm bừng sáng một góc Sài Gòn, khiến nhiều người lạc mình cả đêm vừa ngắm, vừa chọn cho mình những bó hoa ưng ý mang về chưng trong những ngày lễ Tết. Không khí này, chỉ có ở những chợ truyền thống như chợ hoa Hồ Thị Kỷ.
Chợ Bến Thành, tiêu biểu cho mua sắm Tết
Gần như là ngôi chợ tiêu biểu cho việc mua sắm Tết, đâu đâu người ta cũng đến chợ Bến Thành - một ngôi chợ được coi giành cho “nhà giàu”. Với diện tích hơn 13.000m2, Bến Thành là 1 trong 2 ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn.
Khi chợ Tết Bến Thành mở cửa thì gần như không khí mua sắm Tết đã bắt đầu khắp nơi, bao quanh khu vực cổng chính của chợ là những sạp bán bánh mứt, đồ khô. Họ bán từ sáng đến tận nửa đêm đủ loại hàng hóa như quầy thực phẩm khô bán lạp xưởng, mứt gừng, mứt bí, mứt me, thèo lèo, và những mặt hàng đặc trưng chỉ Tết mới có như: Câu đối, bao lì xì, củ kiệu, dưa món… Ngoài ra, chợ còn rất phong phú với các quán ăn vặt, món ăn đậm chất các vùng ở miền Nam.
Chợ Bến Thành cũng là ngôi chợ tiêu biểu cho văn hóa thương nghiệp Sài Gòn, trong chợ có rất nhiều gian hàng của các hợp tác xã, công ty thương mại Nhà nước bán quần áo may sẵn và vải vóc, giá vừa phải, niêm yết rõ ràng.
Chợ Hạnh Thông Tây - chợ thời trang rẻ nhất Sài Gòn
Bên cạnh chợ “nhà giàu” thì cũng có chợ giành cho "bình dân" - chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) từ lâu đã nổi tiếng là chợ thời trang rẻ nhất Sài Gòn. Vốn được coi là “thiên đường” mua sắm của giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Những ngày cuối năm, hàng ngàn người vẫn chen chân đi chợ Hạnh Thông Tây để mua sắm. Bãi giữ xe chật kín xe, người, khu chợ càng trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn với đủ các gian hàng ăn uống, giày dép, quần áo, trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm... nhưng quần áo thời trang vẫn là các sản phẩm chủ lực tại đây...
Tại shop quần áo chợ Hạnh Thông Tây đồ thường có mức giá 35.000 đồng, nếu như bạn mua 3 bộ thì sẽ có giá 100.000 đồng. Về đồ jump thường có giá từ 50.000 đồng, chân váy dao động từ 60.000 - 80.000 đồng mà chất lượng rất ổn. Áo thun và sơ mi nếu là hàng bình thường có giá 35.000 đồng/cái hoặc 100.000 đồng/3 cái. Hàng hóa ở đây đa số là hàng may xí nghiệp có chút lỗi nhưng không vấn đề gì, chỉ cần lựa chọn kĩ sẽ được hàng ưng ý.
Chợ thường bắt đầu đông khách từ 18h - 22h, vì đó là khi các gian hàng thời trang mới bắt đầu hoạt động. Ưu điểm của chợ Hạnh Thông Tây là mẫu mã phong phú và đa dạng, giá cả khá bình dân, rất nhiều cửa hàng đã treo sẵn biển giá cả nên khách không cần lo bị chặt chém. Tuy nhiên, chợ thường đông đúc, tình trạng chen lấn và an ninh không chưa được tốt, thế nên vào những ngày Tết, khi tới đây mua sắm, bạn phải đề phòng bị móc túi.
Chợ Bình Tây - chợ người Hoa
Người Hoa, chiếm một bộ phận không nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, chủ yếu là thành phần lao động, kinh doanh, buôn bán, sống tập trung các khu vực quận 5, 6, 10, 11. Chợ Bình Tây nằm tại khu trung tâm thương nghiệp của quận 6, do một tiểu thương người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1928, tổng diện tích là 25.000m2, chợ được xây dựng theo kĩ thuật hiện đại của Pháp nhưng kiến trúc Trung Hoa theo hình bát quái.
Chợ Bình Tây được xem là truyền thống tiêu biểu của cộng đồng người Hoa, trong những ngày cuối năm Tết đến, mới thấy nét độc đáo khi chợ có lối kiến trúc đặc sắc và mang dáng dấp đặc thù với văn hóa cộng đồng Hoa…
Vào chợ mua đồ, khách hàng chỉ cần đem tiền, còn bất kỳ hàng hoá nào nếu khách hàng có nhu cầu, kể cả những mặt hàng nhỏ nhất như tăm tre khoảng 5.000 đồng cho đến vi cá thượng hạng 15 triệu đồng/kg đều được đáp ứng tức thì.
Một nét đặc sắc nữa, chợ Bình Tây nằm giữa 4 tuyến đường nên đã kéo theo hàng nghìn hộ dân sinh sống trên 4 tuyến đường đó và cả chục tuyến đường liền kề tham gia vào buôn bán tạo nên sự nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn và là đầu mối hàng hoá cho các tỉnh thành phía Nam.
Khu chợ Bình Tây, những ngày cuối năm trên là trời còn dưới là hàng, bởi vì chợ vừa bán lẻ các loại hàng hóa, vừa bán trái cây sỉ. Đường Hậu Giang (quận 6) gần khu Chợ Lớn những ngày giáp Tết năm nào cũng như cái chợ dưa, dưa hấu khắp nơi đổ về đây.
Dọc con đường Hải Thượng Lãn Ông và Tháp Mười người dân sẽ bày bán những cây pháo hoa đăng. Giá mỗi cây pháo loại này dao động từ 30.000 - 150.000 đồng và được bán xuyên Tết đến mùng 2.
Cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ Tết bây giờ đa dạng, tiện lợi và văn minh hơn, nhưng chợ Tết truyền thống vẫn là một phong tục gắn liền bao đời với người dân Việt Nam, mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi con người. Bởi nó luôn giữ được những nét đẹp văn hoá vốn có, lại trù phú, vì thế đã không ngừng thu hút bà con đến mua, bán.
Nguồn: thanhtra.vn