![](/FileManager/mypicture/Den-Ba-Chua-Kho.jpg)
|
Đền Bà Chúa Kho |
Đền Bà Chúa Kho (ở khu Cô Mễ, phường Vũ Linh, TP. Bắc Ninh) những ngày đầu năm đông nghịt khách. Theo Ban quản lý đền, mỗi ngày có hàng vạn lượt người đến đây chiêm bái. Du khách vừa bước chân tới cổng đền đã được nghe tiếng loa nhắc nhở việc thực hiện nghiêm quy định tại đền như: giữ gìn vệ sinh trật tự, không đặt tiền lễ, tiền "giọt dầu" tùy tiện, không đốt vàng mã...
Lễ hội đền Sóc diễn ra trong 3 ngày (từ mồng 6 - 8 tháng giêng) hàng năm, nhưng ngay từ mồng một Tết Nguyên đán, đông đảo du khách đã tới đây du xuân, tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). Đặc biệt, năm 2010, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lượng du khách đến đây càng đông.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch di tích đền Sóc Sơn cho biết trung tâm đã có nhiều nỗ lực để đảm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa ở các lễ hội. Hơn một chục năm nay, Trung tâm đã vận động du khách không đốt hương khi vào đền, không đặt tiền lễ, tiền giọt dầu tùy tiện, hạn chế đốt vàng mã. Môi trường của khu di tích được chú ý gìn giữ. Mỗi sáng Trung tâm huy động 200 học sinh nhặt lá ở các khu rừng cây trong khu di tích.
Tuy nhiên, hiện nay, ở đền Sóc còn chưa có bãi đỗ xe nên nhân viên Ban Tổ chức lễ hội đền Sóc phải điều hành đảm bảo tình hình trật tự giao thông cho lễ hội.
Tại các lễ hội đầu năm nay, hầu như không còn việc bán quẻ thẻ, lá số, tử vi, cảnh người bán hàng chèo kéo khách hoặc bán sách báo mê tín dị đoan. Việc đốt vàng mã giảm, người dân có ý thức tốt hơn trong việc đặt tiền lễ, tiền công đức, bảo vệ môi trường. Tại lễ hội chùa Hương, không còn tình trạng các hộ kinh doanh sử dụng tăng âm, loa đài với triết áp lớn để quảng cáo sản phẩm, chèo kéo khách.
Thị xã Sơn Tây đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội Đền Và - lễ hội vùng lớn nhất xứ Đoài diễn ra từ ngày 16 - 18/2 (tức 14 đến 16 tháng giêng âm lịch); đền Và thờ Đức Thánh Tản, vị thần đứng đầu trong hàng "tứ bất tử" của Việt Nam. Theo phong tục cổ truyền hàng năm lễ hội đền Và được tổ chức vào rằm tháng giêng âm lịch. Vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, đền Và mở hội chính có rước Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Đi kèm đoàn có múa lân, rồng, các loại cờ bát, bát bửu, tàn, lọng, trống, chiêng, đội nhạc, đội tế, kiệu các loại. Năm nay là năm Tân Mão, lễ hội đền Và được tổ chức theo nghi lễ chính truyền thống. Vì thế, Ban Quản lý đã chuẩn bị chu đáo kế hoạch tổ chức lễ hội. Ông Hứa Đức Thịnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết, Ban Tổ chức chuẩn bị gần 500 người rước kiệu qua sông, 12 tàu lớn và đảm bảo an ninh, trật tự cho lễ hội. Phần hội có các trò chơi dân gian diễn ra ở khu đồi lim đền Và với các trò như: cờ tướng, cờ người, kéo co, nấu cơm thi, chọi gà, đánh đu...
Ban quản lý lễ hội đền Và cho biết đã sắp xếp lại hơn 200 ki-ốt kinh doanh ở đây và yêu cầu các hộ cam kết thực hiện tốt nếp sống văn minh lễ hội.
Mặc dù, Ban Quản lý các di tích có lễ hội đã khuyến cáo người đi lễ không nên thuê người khấn, cúng, tuy nhiên, ở các điểm lễ hội, vẫn tồn tại tình trạng chèo khéo khách để khấn thuê. Tại đền Và vẫn còn nhiều gian hàng vui chơi có thưởng (hình thức đánh bạc trá hình), rác vương vãi khắp sân chính và khu vực bàn sắp lễ. Nhiều người dân do thiếu hiểu biết, vẫn "hối lộ" thánh thần bằng cách nhét tiền vào đầu, vào tay tượng, giắt tiền lên hoa... Ở một số lễ hội vẫn còn tình trạng ăn xin, "chặt chém" tiền gửi xe máy, xe ô-tô... Điều này cho thấy các Ban Quản lý và các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt nghiêm; đồng thời chú trọng tuyên truyền để du khách hiểu và thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở các lễ hội./.
Mai Hồng