Ông Yasuo Mishima, Trưởng nhóm chuyên gia bè nổi cùng các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu cho các em học sinh về giá trị và ý nghĩa hồ nước với môi trường sống, phương pháp xử lý ô nhiễm nước hồ bằng cây thủy sinh. Tại đây, các chuyên gia đã hướng dẫn các em học sinh trồng cây thủy sinh trên bè, thực hành kiểm tra nhanh mức độ ô nhiễm nước hồ bằng ống thử với bảng biểu thị màu cho biết mức độ ô nhiễm của nước hồ. Với cách hướng dẫn dễ hiểu, dễ làm, hoạt động có ý nghĩa thiết thực để các em hiểu cần phải chung tay làm cho nước hồ và môi trường sống ngày càng trong lành hơn.


Bè cây thủy sinh tại hồ Thành Công
Các chuyên gia Viện Tài Nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, hệ thống bè nổi trồng cây thủy sinh xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giúp đỡ bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản là mô hình xuất hiện đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Thời gian gần đây, nhiều bè cây thủy sinh cũng đã được lắp đặt ở một số hồ của Hà Nội để làm sạch nước.
Giai đoạn 1 của dự án đã triển khai vào năm 2008 - 2009 với giá trị viện trợ khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động: hội nghị, hội thảo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong 2 năm (2012 – 2013), chuyên gia Nhật Bản tài trợ lắp đặt thêm 10 bè nổi đặt trên hồ kết hợp với sử dụng chế phẩm vi sinh để làm sạch nước hồ và tiếp tục chương trình giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Qua thí điểm đợt 1, các chuyên gia Nhật Bản và chuyên gia RECO đã điều chỉnh lại kết cấu bè nổi, lựa chọn lại loại cây thủy sinh có khả năng làm sạch nước hồ, phù hợp điều kiện sinh trưởng theo mùa. Các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản cũng có nguyện vọng thu hút được các nhà tài trợ và cơ quan chức năng của TP. Hà Nội quan tâm và hỗ trợ nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng bè cây thuỷ sinh để dự án phát triển bền vững.
Dưới đây là một số ảnh về buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về bảo vệ môi trường cho các em học sinh:

Ông Yasuo Mishima, Trưởng nhóm chuyên gia bè nổi hướng dẫn các em học sinh trồng cây thuỷ sinh trên bè


Ông Yasuo Mishima, Trưởng nhóm chuyên gia bè nổi hướng dẫn các em học sinh thực hành kiểm tra nhanh mức độ ô nhiễm nước hồ bằng ống thử
.jpg)
Các chuyên gia Nhật Bản tặng quà cho các em học sinh
Thanh Hiền