Kinh tế biển chủ động, bền vững
Là địa phương giáp biển, có đường bờ biển dài 72km, trong những năm qua, Nam Định đã đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng chủ động thực hiện nhiều biện pháp khai thác tiềm năng trên cả 3 vùng kinh tế là đất liền, cận bờ và xa bờ.
Trong đó, tỉnh đã xác định Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tập trung phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là nghị quyết vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài cần nhanh chóng triển khai, đưa vào cuộc sống.
UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, định hướng cho các Sở, Ban, Ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong kế hoạch công tác hàng năm.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng và thực hiện phát triển kinh tế biển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế có lợi thế như: khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản; xây dựng cảng biển, phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển; chú trọng đầu tư công nghiệp tàu thủy và du lịch biển.
Trong quá trình phát triển kinh tế biển, tỉnh chú trọng gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, bố trí sắp xếp hợp lý cư dân vùng ven biển, xây dựng đồng bộ và đưa vào áp dụng khung pháp lý về biển và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển liên quan đến biển và vùng ven biển.
Phát triển đi liền với bảo vệ
Nam Định có 2 khu vực đất ngập nước ven biển quan trọng là Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trên địa bàn huyện Giao Thủy và khu vực bãi bồi ven biển nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng với tổng diện tích khoảng 20.800ha. Hai khu vực này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận năm 2004.
Từ chủ trương của tỉnh, các ngành đã đồng loạt nâng cao chất lượng kinh tế biển theo lĩnh vực quản lý như: nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; công nghiệp, xây dựng; khai thác tài nguyên biển. Bên cạnh đó, các địa phương có biển đều xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển, sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển không ngừng tăng lên.
Cùng với phát triển kinh tế biển, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai vùng biển, giữ gìn tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển được tỉnh tập trung chỉ đạo, đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển, trồng rừng ngập mặn và rừng chắn cát vùng ven biển, xây dựng các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng để có các giải pháp ứng phó…
PV