Đường lên Mỹ Sơn đã khác nhiều so với chuyến tham quan thực tế thời tôi còn là sinh viên. Con đường “hành hương” đến đền tháp Chăm đã được đầu tư kỹ lưỡng hơn nên xe máy của chúng tôi chạy êm ru. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy nhiều du khách chọn xe buýt để lên khu thánh địa. Xe buýt chở khách đến tận làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên). Sau đó, chỉ cần đi bộ khoảng 500m là đến được khu thánh địa của người Champa cổ.
Trước khi đến với các đền tháp, chúng tôi đến thăm Nhà trưng bày hiện vật Mỹ Sơn được xây dựng vào năm 2005 tọa lạc khá gần khu thánh địa Mỹ Sơn. Tại nơi đây, tỉnh Quảng Nam đã cho trưng bày những hiện vật gốc của thánh địa Mỹ Sơn như bia ký, phù điêu, linga, yoni, gạch ngói… và những pa-nô giới thiệu tổng quan về lịch sử nghiên cứu đền tháp Mỹ Sơn cũng như thành quả trong công tác trùng tu. Nhà trưng bày là thành quả sau nhiều tháng năm lao động miệt mài bên cạnh đền tháp Mỹ Sơn của “họa sỹ Chăm” Nguyễn Thượng Hỷ.
Men theo con đường nhỏ mà người xưa từng đi, chúng tôi len lỏi qua từng tán cây rừng và dần lạc bước vào một thế giới tâm linh huyền ảo. Trước mắt chúng tôi là hàng chục ngôi đền tháp đỏ rực như lửa, cao hàng chục mét vươn lên giữa rừng già chằng chịt rễ cây lộ thiên. Bức tường của các đền tháp Champa đều không bị rêu phong, đen sạm bởi sương gió. Chỉ có một màu đỏ và… đỏ rực như lửa.
Tại sao có sự kỳ lạ như vậy? Đền tháp Champa xây bằng gạch được nung từ trước hay dùng gạch chưa nung để xây? Phải chăng người Chăm xưa đã sử dụng đến sức mạnh của thần linh để tạc nên những hình khối tôn giáo?
Nghi hoặc về điều này, chúng tôi được một hướng dẫn viên cho biết, những viên gạch Chăm không bao giờ bị rêu phong, đen sạm bởi sương gió ngoại trừ bị vỡ, bị tách biệt khỏi môi trường kiến trúc tự nhiên. Trong khi trùng tu bằng gạch hiện đại thì lại xảy ra hiện tượng gạch bị rêu mốc bề mặt, nhiều viên gạch có hiện tượng bạc màu do quá trình muối hóa. Sự lãng quên của con người cũng khiến khu thánh địa Mỹ Sơn bị ngủ quên giữa rừng già như di sản Angkor của đất nước Campuchia. Tuy nhiên, sau khi được “tái phát hiện”, “tái phục hồi” và trở thành Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1999, ước tính mỗi năm có hàng trằm ngàn lượt du khách quốc tế và nội địa đến tham quan khu thánh địa “có một không hai” này của thế giới. Ngoài lý do là khu thánh địa tôn giáo đặc biệt, gắn liền với lịch sử thăng trầm của một vương quốc cổ, Mỹ Sơn sở dĩ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới cũng là do những bí ẩn xung quanh việc xây dựng các đền tháp Champa”.
Chúng tôi quả thật không hiểu người Chăm xưa đã làm cách gì để tạo ra những ngôi đền tháp cao hàng chục mét kỳ vĩ giữa đất trời như vậy khi chất kết dính những viên gạch Chăm vẫn là một bí ẩn. Điều đó khiến chúng tôi có cảm giác muốn khám phá từng đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn đến rạo rực. Cũng như các du khách khác, chúng tôi hồ hởi chụp từng viên gạch vỡ, từng bức tường gạch, từng bức phù điêu bên ngoài đền tháp rồi vào bên trong để ngắm nhìn những linga, những yoni, những bức tượng Chăm, những lỗ thông phong một cách say sưa.
Những ngôi đền tháp Champa được người Chăm gọi là kalan. Những kalan này được Nhà nước Champa xưa xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 17 để bái vọng các vị thần linh mà dân tộc Chăm tín ngưỡng. Trải qua nhiều thăng trầm của của lịch sử, những kalan vẫn sừng sững, đỏ rực như ngọn lửa Apsara, bất chấp vương quốc sản sinh ra nó đã lụi tàn như làn sương khói vào cuối thế kỷ 17. |
Nguyễn Văn Toàn