Vào năm 1806, Munich trở thành thủ đô của vương quốc Bavaria vừa mới được thành lập. Ba vị vua Bavaria đầu tiên đã ra sức xây dựng thành phố, và tạo nên những công trình kiến trúc tuyệt mỹ. Thật không may, những trận bom dội xuống thành phố trong chiến tranh thế giới thứ hai đã san bằng rất nhiều kiến trúc cổ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kiến trúc cổ được lưu giữ lại cho đến ngày nay và trở thành những điểm tham quan không thể bỏ qua của Munich.
Mỗi lần đến Marienplatz (quảng trường Đức Mẹ Maria) nằm ở trung tâm thành phố, được xây dựng từ thế kỷ thứ 12, là nơi tổ chức các phiên chợ, các buổi lễ, những cuộc thi đấu thời trung cổ, tôi luôn ngồi nhấm nháp cà phê, ngắm nhìn mặt ngoài của tòa thị chính mới (Neues Rathaus) với những tuyệt tác điêu khắc. Sử dụng kiến trúc Gothic đặc trưng của xứ Flanders, hiện nay tòa nhà là nơi đặt trụ sở của chính quyền thành phố, và luôn tập trung một đám đông hàng trăm người. Họ đến đây để ngắm kiến trúc độc đáo của tòa nhà và chiêm ngưỡng một màn trình diễn dàn nhạc chuông có lịch sử 100 năm. Lần đầu tiên được xem màn trình diễn này, tôi vô cùng sửng sốt. Vút trên lan can của tòa thị chính rêu phong, đúng 11 giờ sáng mỗi ngày (cùng với 12 giờ trưa và 5 giờ chiều vào mùa hè) có một màn biểu diễn tự động, kéo dài khoảng 15 phút của dàn nhạc chuông gồm 43 quả chuông và 32 hình người có khổ lớn như người thật. Trong tiếng chuông thánh thót, những hình người chuyển động, tái hiện lại hai câu chuyện từ thế kỷ thứ 16. Câu chuyện thứ nhất kể về đám cưới xa xỉ theo kiểu Hoàng gia giữa công tước Wilhelm V và Renata of Lorraine. Câu chuyện thứ hai kể về điệu nhảy truyền thống Schäfflertanz (điệu nhảy của những người thợ đóng thùng). Theo truyền thuyết, năm 1517 Munich bị càn quét bởi căn bệnh dịch hạch và chính những người thợ đóng thùng đã nhảy múa trên đường phố để đem lại niềm vui và sức sống cho mọi người. Ngày nay, điệu nhảy Schäfflertanz vẫn được biểu diễn trên các đường phố Munich bảy năm một lần.
Trên cùng một quảng trường, nằm ở phía Đông là tòa thị chính cũ (Altes Rathaus) đã bị bom phá hủy hoàn toàn. Nơi đây bây giờ là một địa điểm du lịch thú vị, vì nó đã trở thành bảo tàng đồ chơi của Munich, với một bộ sưu tập khổng lồ phản ánh những câu chuyện sâu sắc của lịch sử châu Âu và Mỹ.
Vào mùa xuân, mùa hạ và mùa thu, ban công của những tòa nhà trong Quảng trường Đức mẹ thường ngập tràn hoa. Hoa đủ mọi màu sắc. Hoa không lấp ló sau hàng rào lan can mà được đặt bên ngoài, thả sức tuôn trào những dòng suối sắc màu rực rỡ xuống không trung.
Nhưng những trải nghiệm đặc biệt nhất của tôi ở Quảng trường Đức Mẹ là vào mùa Giáng sinh, khi nơi đây bừng lên sức sống với cây noel to cao, khỏe khoắn vươn mình lên bầu trời xanh ngắt. Ở đó, tôi đã được chiêm ngưỡng tuyết rơi ngay tại Tòa thị chính, nếm vị lạnh của tuyết trên lưỡi, xoè tay đón những bông tuyết tròn xoay xoay như những bông hoa của đất trời, thấy tuyết lả lơi phủ trắng trên những bậu cửa sổ, rồi ôm choàng vòng tay trắng lên những kiến trúc tuyệt tác. Vào tháng 12 hàng năm, nơi đây luôn diễn ra phiên chợ Giáng sinh Munich Christkindlmarkt nổi tiếng thế giới, được tổ chức xuyên suốt 370 năm qua, trừ những năm chiến tranh quá ác liệt.
Cách Quảng trường Đức Mẹ vài bước chân về phía Đông là một kiến trúc linh thiêng đã hiện lên rực rỡ trong hầu hết những tấm bưu thiếp về Munich: Nhà thờ Đức Mẹ (Frauenkirche). Đó là quần thể gồm một tòa nhà uy nghi, mái ngói đỏ rực, có sức chứa 20.000 người và hai tháp chuông vút trên trời cao. Thay thế một nhà thờ nhỏ và cũ kỹ, nhà thờ này được khởi công từ năm 1468, mang phong cách kiến trúc trúc Gothic của thời trung cổ, sử dụng các vòm nhọn và nhiều cửa sổ khá lớn nên tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Nhà thờ này quan trọng đến nỗi, luật pháp của chính phủ quy định rằng không ai được phép xây một công trình mới nào làm cản trở tầm nhìn từ nơi đây. Mỗi năm, có biết bao du khách đến đây để quỳ trước thánh điện, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như bức tranh của danh họa Jan Polack và cung thánh sơn son thiếp vàng của Friedrich Pacher, những tuyệt tác điêu khắc của Erasmus Grasser, tất cả trên 500 năm tuổi.
Theo truyền thuyết, trước khi nhà thờ khởi công, khu vực này có một con quỷ lộng hành. Kiến trúc sư của nhà thờ - Jörg von Halsbach - đã nói với con quỷ rằng nếu nó giúp xây nhà thờ, ông sẽ xây nhà thờ đặc biệt đến nỗi đứng ở giữa nhà thờ sẽ không thấy một cửa sổ nào. Khi nhà thờ được xây dựng xong, kiến trúc sư dẫn con quỷ đến giữa nhà thờ. Và thật lạ, mặc dù nhà thờ tràn ngập ánh sáng thiên nhiên đang ùa vào từ rất nhiều cửa sổ, đứng ở giữa tòa nhà, chẳng ai có thể trông thấy một cửa sổ nào. Con quỷ tức giận và giẫm chân mạnh đến nỗi bước chân của nó vẫn còn in dấu trên nền đá cho đến tận ngày nay.
Đến Munich, du khách luôn muốn thong thả dạo chơi qua con đường Maximilian nổi tiếng, Cung điện Munich, nhà hát opera, khu phố cổ, sông Isar trong vắt một dải lụa mềm, qua lâu đài Maximilianeum hiện đã trở thành văn phòng Quốc hội Bavaria, đặc biệt là Khải hoàn môn sừng sững uy nghi được vua Ludwig I của Bavaria xây dựng vào thế kỷ thứ 18 để kỷ niệm chiến thắng của quân đội Bavaria trong cuộc chiến tranh chống lại Napoleon. Cạnh Khải Hoàn Môn là Trường Đại học Munich, một trường đại học công tên tuổi và lâu đời bậc nhất của Liên bang Đức.
Nguyễn Phan Quế Mai
(Tạp chí Du lịch)