Múa rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Trong làng có Đào Tướng Công tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (1659-1732) làm quan Nội Giám trong triều Hậu Lê. Ông đã cùng dân làng đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Ông còn tổ chức được các Phường như Phường Thầy, Phường Thợ, Phường Thó, Phường Võ và đặc biệt là Phường Rối. Để ghi nhớ công ơn to lớn của ông, khi ông qua đời dân làng đã khắc ghi bia đá và lập đền thờ cách đây gần 300 năm.
Đến Đào Thục, du khách cảm nhận nơi đây vẫn mang đậm những nét xưa của vùng quê Bắc Bộ trong khung cảnh nên thơ, hữu tình. Đặc biệt, du khách còn bị cuốn hút bởi sân khấu múa rối nước dưới thủy đình cổ kính, những mái ngói đỏ in bóng xuống mặt hồ xanh ngắt mang đậm phong vị thời gian.
Năm 2015, làng được công nhận Làng văn hóa cấp Thành phố và lọt vào top 10 làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội.
Sự khác biệt tạo nên vẻ đẹp độc đáo
Theo nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, Trưởng phường múa rối nước Đào Thục, múa rối nước Đào Thục có nét đặc trưng riêng so với các làng múa rối khác đó chính là nhân vật anh Ba Khí.
Với anh Ba Khí, nhân vật này được chế tác mang tới hình ảnh chân thực hơn đại diện cho khí phách của người Việt không còn là chú Tễu bụng phệ tay cầm quạt mo. Ba Khí vừa đại diện cho hình ảnh chú Tễu của miền Bắc vừa là anh Ba Khía của miền Nam, cũng là hình ảnh người dẫn chương trình, tổ chức các sự kiện.
Một sự khác biệt nữa so với các phường rối khác đó là tiết mục mở màn, tiết mục này có tên gọi "Đốt pháo bật cờ" hay còn được gọi là bật cờ hội. Sân khấu phải được chuẩn bị chu đáo trước đó, đốt pháo bật cờ được bật trước khi người dẫn chương trình giới thiệu các tiết mục thì buổi khai mạc mới được bắt đầu.
Thêm vào đó, làng đang cố gắng nỗ lực làm mới những phần trình diễn để đem lại những màn múa rối nước vẫn giữ được nét đẹp xưa nhưng cũng phù hợp với thị hiếu của người xem. Rối nước Đào Thục hiện nay còn lưu giữ được 22 trò diễn, các tiết trò ca ngợi thú làm ruộng của người nông dân Việt Nam, các tích trò vui chơi giải trí bổ ích mang cả yếu tố tâm linh, văn hóa dân gian như: múa rồng, múa lân, múa tứ linh, múa tiên, múa phượng, múa hát văn,… hay là các câu chuyện cổ tích, những trích đoạn trong những tác phẩm văn học: Thạch Sanh chém Trăn tinh, Tráng sĩ đả hổ, Lên ngựa xuống võng (trích đoạn trong Tấm Cám),…
Hiện nay, các nghệ nhân đã sáng tạo thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: Chiến sĩ biên phòng, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không,…đáp ứng xu thế của thời đại mới.
Định hướng phát triển tương lai
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đang đầu tư để tu bổ lại đình, chùa và xây dựng toàn bộ cảnh quan khu di tích, đặc biệt trong đó định hướng phát triển Đào Thục là làng nghề du lịch lớn mạnh, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan.
Bên cạnh đó, làng đang có những chính sách để duy trì và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua hoạt động tuyển chọn những lớp trẻ trong địa phương có trình độ, có tâm huyết để đào tạo thành đội ngũ nghệ nhân kế cận.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - người duy nhất trong làng tạc tạo ra các con rối chia sẻ: “làng Đào Thục vẫn giữ được nghề gia truyền, hiện giờ, các bạn trẻ vẫn đang tiếp tục học và cố gắng để nối tiếp cái nghề mà cha ông để lại”.
Hiện nay, hàng tuần, hàng tháng, Phường đều có nhiều show diễn phục vụ khách du lịch đặc biệt là du khách nước ngoài. Qua đây, Phường đã đi lưu diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới như: Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc,… giúp quảng bá mạnh mẽ hình ảnh tươi đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Làng múa rối nước Đào Thục ngày càng phát triển và đã tìm được lối đi cho riêng mình vừa kết hợp với việc bảo tồn nghề truyền thống vừa làm du lịch nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong làng.
Phạm Ngọc