Gần một nghìn năm trước, đoàn thuyền vương triều từ kinh thành Thăng Long hướng tới Lục Đầu giang ra cửa sông Bạch Đằng, rong buồm theo gió Đông Nam đi quần đảo Vân Đồn, vua Lý Anh Tông nhận ra một vùng hưng thịnh: những thuyền buồm đại dương từ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương (Indonesia), Thái Lan, Mã Lai (Malaysia), nhiều nước Tây phương, ra vào các bến quần đảo, hàng hóa Đại Việt xuất đi phần lớn là hương liệu (trầm, quế, hồi, nhựa tùng bách), ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, đồng, diêm tiêu, vàng, bạc, đồ sứ, và còn nhiều hàng quý khác. Quần đảo Vân Đồn có khoảng 600 đảo lớn nhỏ, lớn nhất là đảo Cái Bầu (ý nghĩa là quả bầu mẹ, rộng gần 20.000ha), người Việt cổ đã sinh sống trên nhiều đảo từ hàng nghìn năm nay. Chuyến kinh lý của vua Lý Anh Tông đã lập tức dẫn đến nhiều cách nhìn về giá trị, vị thế quần đảo Vân Đồn, trước hết đối với hệ thống thương cảng ẩn mình trong vai trò quốc phòng nơi biên viễn hải trình. Kịp thời ngay tại chỗ, vua Anh Tông chấn chỉnh lề lối thương cảng: phân chia thành nhiều loại hình cảng chuyên dụng phù hợp với quần đảo, gồm cảng hàng hóa là đồ gốm sứ, cảng hàng hóa quý hiếm (vàng, bạc, ngọc trai, ngà voi, tê giác…), cảng tơ lụa, cảng hương liệu, cảng đóng thuyền và sửa chữa thuyền bè kiêm dịch vụ cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm, cảng chuyên thủy sản tươi sống (buôn bán ngay sau đánh bắt, nổi tiếng nhất là hai đảo Hạ Mai – Thượng Mai ngoài cửa ngõ vùng quần đảo). Trạm tuần ty và pháo đài quan sát kiểm soát đặt trên đảo Phượng Hoàng, bao quát toàn vùng biển đảo Vân Đồn. Sang đến vương triều Trần, hệ thống thương cảng Vân Đồn ngày càng phát triển trên nền cải cách, sắp xếp cơ ngũ của triều Lý. Quân xâm lược Nguyên Mông phương Bắc dựa trên thông thủy của thương thuyền Trung Hoa, kéo vào Đại Việt, đã thất bại ở chiến trường Bạch Đằng, phải kể đến trận triệt phá đoàn thuyền lương thảo của tướng Nguyên Mông (Trương Văn Hổ) trên tuyến thương cảng Vân Đồn – Quan Lạn do tướng Đại Việt Trần Khánh Dư chỉ huy (phát huy lợi thế chiến lược của hệ thống thương cảng ẩn mình ưu thế quốc phòng).
Có nhà sử học Nhật Bản từng nghiên cứu và ngưỡng mộ di tích lịch sử văn hóa thương cảng vân Đồn, khẳng định không đâu có được ‘hệ thống thương cảng chuyên dụng” như Vân Đồn. Người Pháp khi xâm lược nước ta đã đặt tên vùng cảng Vân Đồn là “vịnh cảng tuyệt vời”. Suốt một thời từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, thương cảng Vân Đồn nổi danh “thương cảng bạc vàng”!
Đến nay, thương cảng Vân Đồn đã mai một theo nhiều biến cố nhưng có một Vân Đồn mới đang nổi lên, trên đà phát triển của chiến lược vừa được Chính phủ quyết định “Đặc khu kinh tế”, đã có ba cầu qua các eo biển nối liền đảo lớn Cái Bầu với đất liền Cẩm Phả, điện lưới quốc gia, nhiều khu thương mại, những khách sạn và khu du lịch trên nhiều đảo… Đặc khu kinh tế Vân Đồn đang là xương sống của “vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ”, đồng thời phát huy điểm sáng thiên nhiên Vườn quốc gia Bái Tử Long, Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long. Không bao lâu nữa, thương cảng bạc vàng trở lại khởi sắc cùng với vùng vịnh cảnh quan kỳ vỹ!
Có nhiều sản vật của Vân Đồn không ở đâu có được, nước dùng phở Hà thành ngon hay không phải có hải sâm Vân Đồn, muốn có nhiều sức khỏe nên ăn những món chế biến từ bào ngư Vân Đồn, vẻ đẹp quý cô quý bà được tôn lên từ ngọc trai Vân Đồn, chế tác pha lê hảo hạng từ cát trắng Vân Đồn, tâm linh cầu phúc an khang từ các đền nghè Vân Đồn…
Từ lịch sử xa xưa, dấu ấn thương cảng bạc vàng vẫn là cơ sở cho việc khơi dậy một đặc khu kinh tế sầm uất và thắng cảnh du lịch kỳ vỹ ngày nay cũng như mai sau.
Võ Trí Chung