Như chúng ta đã biết, xâm phạm tình dục trẻ em là tội ác vi phạm nghiêm trọng quyền con người, chà đạp phẩm giá con người mà trực tiếp là trẻ em, đối tượng cần được xã hội quan tâm đặc biệt. Xuất phát từ những lý do trên, việc tìm hiểu đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em bị xâm phạm tình dục là việc làm cần thiết để có các biện pháp, giải pháp kịp thời nhằm tiếp cận với trẻ sớm, đưa trẻ về cuộc sống đời thường trong tình thương yêu và sự quan tâm của gia đình và xã hội.
Ngoài ra, những chấn thương về mặt tâm lý, những rối loạn về hành vi của trẻ bị xâm hại tình dục cũng hết sức nặng nề. Thực tế cho thấy, khi lạm dụng tình dục xảy ra, trẻ có thể sẽ nảy sinh những suy nghĩ, tình cảm và hành vi rất đa dạng, phức tạp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gần 1/3 số nạn nhân bị hiếp dâm có ít nhất một giai đoạn rối loạn hành vi trong cuộc sống của họ. Đối với nhiều nạn nhân của tệ nạn này, những biểu hiện của trầm cảm có thể tồn tại trong một thời gian tương đối dài. Có ý định tự tử là một triệu chứng phổ biến của các nạn nhân. Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 17% số nạn nhân của các vụ hiếp dâm có ý định tự tử.
Một số đặc điểm tâm lý của trẻ khi bị xâm phạm tình dục
Cảm giác xấu hổ và tội lỗi là những biểu hiện phổ biến của nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục. Một số trẻ đổ lỗi cho bản thân mình về những gì đã xảy ra với trẻ và cảm giác xấu hổ vì mình là nạn nhân. Phản ứng tâm lý này đặc biệt càng thể hiện rõ trong trường hợp trẻ bị lạm dụng bởi chính những người mà trẻ biết hoặc những người thân quen. Chính tâm lý xấu hổ, mặc cảm tội lỗi này đã ngăn cản việc trẻ khai báo vụ việc. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm hại tình dục là khó khăn của trẻ trong việc quan hệ với mọi người xung quanh, người lớn hay bạn cùng trang lứa.
Trẻ không tin tưởng vào bản thân, vào người khác và vào môi trường xung quanh. Điều này dẫn đến tâm lý trẻ chỉ làm những gì nếu thấy sẽ được đền đáp. Trẻ mất khả năng chia sẻ cảm xúc và vật chất của mình với người khác, muốn lợi dụng và điều khiển người khác. Trẻ nghi ngờ, không tin tưởng vào xung quanh, đặc biệt là vào những người có quyền lực.
Trẻ có các hành vi tự huỷ hoại bản thân: Trẻ bị xâm phạm tình dục thể hiện rất nhiều hành vi tự huỷ hoại bản thân khác nhau, từ tự gây ra tai nạn, cố tình để bị đau ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát. Đây là một cách để trẻ thoát khỏi cảm nhận không tốt về bản thân.
Trẻ coi các đối tượng xung quanh gắn liền với mối đe doạ, sự sợ hãi, với nguy cơ sẽ bị đối xử tồi tệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Một trong những biểu hiện lớn nhất của rối loạn tinh thần ở trẻ bị xâm phạm tình dục là sự khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh (kể cả người lớn và bạn bè cùng trang lứa).
Trẻ có phản ứng bốc đồng, hiếu chiến và ngang bướng do bắt chước hành vi của kẻ xâm phạm. Trẻ bị xâm phạm tình dục có thể lặp lại hành động tình đục đó với trẻ khác. Trẻ bị xâm phạm tình dục có thể phát triển sớm hơn các bạn cùng tuổi về mặt tình dục. Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn bè cùng trang lứa và do vậy càng làm trẻ tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân. Nhiều trẻ em bị xâm phạm tình dục trở nên hung hăng, phá phách, bất cần đời và coi thường pháp luật, coi thường những giá trị đạo đức, sống buông thả, bất cần đời. Nhiều trẻ em trở thành gái bán dâm.
Giận giữ, bực tức: Đối với trẻ em bị xâm phạm tình dục đều có tâm lý bực tức, căng thẳng; ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phục hồi và cuộc sống bình thường sau này của trẻ. Đặc biệt là, nhiều trẻ sau đó đã tìm đến ma tuý như là một giải pháp để giúp “quên đi” những gì đã xảy ra với các em.
Trẻ trở nên quá lệ thuộc: trẻ trở thành thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối và cố gắng làm vui lòng người lớn. Những đứa trẻ như vậy có xu hướng rất nhạy cảm với những lời phê bình và mọi sự từ chối từ người khác. Trẻ thường không tự nhiên, thiếu tự tin, không muốn giao tiếp bằng mắt với mọi người/vật xung quanh mình. Trẻ không muốn gây ra sự chú ý, vì với trẻ sự chú ý được coi là sự xâm phạm hoặc có thể dẫn đến sự xâm phạm.
Sự rối loạn hành vi là hậu quả thường nhận thấy của nhiều nạn nhân bị xâm phạm tình dục là trẻ em. Thuật ngữ rối loạn hành vi chỉ những biểu hiện rối loạn tâm lý trong hành vi diễn ra khi cá nhân không đáp ứng được yêu cầu chuẩn mực bình thường. Mức độ bị xâm phạm tình dục có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em và những biểu hiện rối loạn hành vi ở mỗi em cũng có khác nhau. Đối với một số trẻ bị lạm dụng, đặc biệt là trẻ em trai, thường có xu hướng thể hiện ra bên ngoài những vấn đề về mặt hành vi, ví dụ như có những hành động tàn ác/hung hãn với những người khác và bỏ chạy. Ngược lại, một số trẻ thể hiện hành vi hướng nội dưới dạng bị trầm cảm hoặc muốn xa lánh, tách biệt khỏi bạn bè hoặc gia đình.
Trẻ bị xâm phạm tình dục thường có quan điểm sai lệch/ khác thường về tình dục. Trẻ thường có biểu hiện quan tâm bất thường, lo lắng hoặc sợ hãi nói về những vấn đề liên quan đến tình dục hoặc khám sức khoẻ. Có những hiểu biết và ngôn ngữ về tình dục khác thường không phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ em bị xâm phạm tình dục có nhận thức pháp luật còn hạn chế, thậm chí một số em còn hiểu biết hết sức mơ hồ về các quyền đối với trẻ em.
Nguyên nhân cơ bản là do các em còn nhỏ, trình độ văn hoá thấp, khó nắm bắt được các kiến thức về pháp luật và do sự dạy dỗ, tuyên truyền về pháp luật còn yếu, chưa đi được vào đúng đối tượng, nhất là nhóm trẻ em không đến trường, sinh hoạt theo nhóm không chính thức.
Nói tóm lại, khi bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mất đi sự cân bằng trong tâm, sinh lý dẫn đến những khủng hoảng về tinh thần và hậu quả nghiêm trọng. Đó là những tác động tiêu cực theo trẻ trong suốt cuộc đời. Nhận thức rõ vấn đề này chúng ta cần bảo vệ trẻ em trước nạn xâm phạm tình dục, hướng dẫn trẻ biết đề phòng và tự bảo vệ mình. Đồng thời, pháp luật cần có những giải pháp tích cực ngăn chặn tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em và đặc biệt nghiêm trị những kẻ có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.
HỒNG NHUNG