Xấu hổ vì bấm còi xe
Suốt những ngày lái xe ô tô từ Việt Nam, qua Lào, Thái Lan, rồi đi dọc Myanmar, chưa khi nào tôi thấy được thật sự thanh bình, tĩnh tại như ở Luông Pha Băng. Suốt 7 ngày đêm ở thành Luông, tôi không gặp một cái cau mày, một câu chửi thề hay một sự dối trá nho nhỏ nào. Sự không thật thà cùng lắm chỉ nằm ở khu chợ đêm, ấy là các hàng bán đồ lưu niệm bằng bạc. Bạc Lào và nghệ thuật chế tác bạc ở thành Luông đã được nâng lên thành “tín ngưỡng”, truyền thống đó được cả thế giới ngưỡng mộ. Du khách miệt mài mua đồ bạc bằng đủ các loại tiền “đô”, kíp (tiền Lào), bạt (tiền Thái Lan)… Chỉ có điều, đeo vòng tay chơi chơi mới ba ngày ở cố đô nước triệu voi, nước bạc trắng mờ vương giả kia đã chuyển sang màu… mạ đồng. Chẳng trách cửa hiệu mỹ ký được, mỹ ký thì chỉ bán đồ mỹ ký thôi.
Ngoài sự ỡm ờ hàng mỹ ký kia ra, còn lại, đi đâu tôi cũng gặp sự thân thiện, thật thà, chân chỉ. Dường như nơi này có quá nhiều chùa cổ, mộ tháp cổ, lăng tẩm cổ, cho nên, người Luông Pha Băng đối xử với nhau và đối xử với khách theo cách của những người hành lễ. Cung kính, nhỏ nhẹ, cùng là môn đệ của Phật, nên người ta luôn thương mến mở lòng với nhau để miệt mài hướng tới thế giới siêu nhiên khả kính kia. Họ biết rằng, không có sự giả dối và giành giật nào có thể qua được “thiên lý nhãn” của Đức Phật, mà Phật thì luôn cứu rỗi chúng sinh. Có thể ai đó sẽ cho tôi là cả tin quá. Nhưng cảnh người ta hành xử với khách ngoại quốc ở Luông Pha Băng luôn làm tôi xúc động. Không có cảnh còi bóp inh ỏi, không có cảnh lườm nguýt, bặm môi, tranh giành từng nửa vòng bánh xe… như ở Hà Nội. Suốt 7 ngày đêm, chỉ có một lần tôi trót lỡ bấm còi theo thói quen lái xe ở Việt Nam suốt hai chục năm qua, mà dường như cả Luông Pha Băng quay lại nhìn tôi ngơ ngác. Cái nhìn thảng thốt, cảm thương. Có vẻ họ nghĩ tôi từ hành tinh khác rơi xuống. Bởi nơi này hầu như không có tiếng còi xe. Họ luôn đi đúng phần đường. Tôi thường gặp những gương mặt bình thản, thận trọng của người Lào thông qua gương chiếu hậu của chiếc ô tô mà họ lái. Chỉ thấy xe sau nháy đèn hay lấn sang tay trái đường “ngỏ ý” muốn vượt, là họ dạt vào mép lối đi bên phải một cách nhẫn nại, nhân ái và đáng xúc động lắm.
Những cái cây có linh hồn lộng lẫy
Cây cổ thụ trùm phủ, thân cây rêu mốc, các loài thảo mộc ký sinh xanh rượp, phủ kín thân và các cành của cây. Cảm giác như mỗi cây là một loài thú kỳ dị với lông lá xanh mướt, chúng hiền lành giơ tấm thân và vô vàn chân tay nghều ngào của mình ra mép sông. Mùa về, sắc lá rực rỡ vàng nõn, tía đỏ tinh khôi. Mỗi cái cây có linh hồn, mỗi tàng cây cổ thụ là một báu vật thiên nhiên của Luông Pha Băng. Không du khách nào đến thành Luang lại không chụp ảnh các tán cây nhoài ra mặt sóng nước Mê Kông. Chiều về, các nhà sư trẻ mặc áo cà sa vàng cam óng ả, họ ríu rít đẩy nhau lên con thuyền bé nhỏ, tự khua nước đẩy thuyền qua sông Nậm Khăn hoặc sông Mê Kông trở lại nhà của mình. Con thuyền vàng, dòng sông thiện lương cũng vàng lộng lẫy, bát ngát không gian cùng nhuốm màu Phật giáo. Ngôi làng của các nhà sư trẻ bên kia sông, dưới miên man bóng dừa, điệp trùng hoa trái, những nếp nhà lợp lá tiêu điều mà quyến rũ lạ thường. Mỗi cái cây ở nơi này đều được các tín đồ Phật giáo nắm cơm gác lên cành lá mỗi ngày. Nhiều người mới đến cứ ngỡ người Lào đang gài cơm, xôi lên cây cho chim, thú, hay giống vật nuôi nào về ăn. Phải có lòng thiện, có cõi thiền trong tâm, người ta mới thấm thía được cái cảnh dâng thức ăn cho nhà sư (khất thực), cũng như cảnh mời cây trong vườn ăn lộc mà người phàm trần dâng tặng đó.
Lại nói chuyện khất thực. Có lẽ, trên thế giới này không có thành phố nào nhuộm vàng màu áo nhà Phật mỗi sáng được như Luông Pha Băng. UNESCO công nhận thành Luang là di sản văn hóa thế giới. Đặt chuông 5h30p sáng, tôi choàng dậy, Mê Kông và những tàng cây lông lá xanh rờn còn phủ trong sương mơ, trời còn nhò nhọ mặt người, đã thấy hàng đoàn nhà sư đi khất thực. Họ đi chân đất, tuyệt đối không phát ra một tiếng động nhỏ nào. Tôi đếm đến con số 400 vị sư, rồi mỏi mắt, mỏi tay không đếm nữa. Mưa, nắng mặc trời, ngày nào các nhà sư cũng rời gần 40 ngôi chùa cổ kính của mình để đi khất thực. Chân trần, áo vàng cam buông chùng, họ bước đi nhón nhón như sợ làm đau mặt đất còn lạnh toát sương đêm. Vai đeo giỏ, gương mặt thành kính, họ cứ bước đi, chắp tay dừng lại trước những người dâng thức ăn đang quỳ xuống ở hai bên vệ đường. Nhiều ông bà già đầu tóc bạc phơ thành kính, chậm rãi thả từng nắm xôi còn nóng hổi vào mỗi cái giỏ trên tay nhà sư khất thực chỉ bằng tuổi cháu nội của họ. Khi hết xôi và thức ăn, đứa con của những người già lại vòng xe máy về nhà lấy giỏ xôi khác. Rất nhiều du khách phương Tây cũng cầm giỏ thức ăn, quỳ ven các ngả đường để dâng thức ăn cho đoàn nhà sư. Gương mặt họ mãn nguyện vì vừa được trải nghiệm một nghi lễ diệu kỳ trên đất Phật triệu voi!
Thật bất ngờ và thú vị khi gặp một ngôi chùa Lào do người Việt trùng tu, mang tên “Chùa Phật Tích”. Chùa, có từ 600 năm trước, có cả cây đa mang từ Ấn Độ về, do đích vị thân hoàng thân nước Lào trồng. Trước, chùa có tên Lào, dịch ra tiếng Việt là “Chùa Bàn Chân Phật”, vì chùa ở sát mép nước sông Mê Kông, ở đó có một cái am khoét sâu vào lòng núi, có hằn in hình bước dáng chân của Đức Phật. Đến năm 1959, một nhà sư người Việt sống tại Luang Pra Băng cùng bà con người Việt đã đứng ra trùng tu lại thật khang trang, mang tên chùa Phật Tích, một di tích quốc gia nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh, của người Việt Nam. Nhà sư trụ trì hiện nay là Thích Thái Phùng, 65 tuổi, là người họ Lê, gốc Việt, cụ thân sinh ra thầy Phùng đã sang Lào từ thời thuộc Pháp. Gần hai chục nhà sư trẻ ở chùa, đều là người Lào. Khuôn viên của ngồi chùa này trên gò cao, cách mép nước Mê Kông chỉ mấy chục bậc cầu tam cấp xây bằng bê tông đã xanh rì rêu tảo, cây cổ thụ um tùm của chùa Phật Tích đổ bóng xuống dòng sông huyền thoại...
Những chuyến đi làm thay đổi phận người
Chùa Phu Si giữa sơn kỳ thủy tú, bảo tàng cung điện Hoàng Gia, thác Quang Si, hệ thống hang động dọc đôi bờ Mê Kông… Bạn có thể khám phá cố đô nước Lào 20 ngày mà vẫn thấy mới mẻ.
Ở thác Quang Si, bạn có thể đi bộ, leo núi khám phá khu bảo tồn, có thể ngắm thác, chơi các trò đu dây nhảy thác. Người Luông Pha Băng rất tài tình, ở chỗ họ không can thiệp gì vào thiên nhiên tuyệt bích ở khu rừng - thác Quang Si; họ chỉ làm dây neo, dây văng để du khách trèo lên các cây cổ thụ, bám vào dây chạc, tung mình vào dòng thác lớn mà nô đùa, tận hưởng. Sự tinh tế trong tổ chức du lịch, sự tôn trọng các giá trị nguyên sơ, vốn có của thiên nhiên đó đã làm chúng tôi băn khoăn bình luận suốt dọc đường, khi đem so sánh với không ít các khu du lịch “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” ở Việt Nam ta. Lắm lúc, nó lại là thứ du lịch giết chết sinh thái, cũng như giết chết các cảm nhận của người ta về “thế nào là sinh thái và du lịch”.
Trước khi rời Luang Pra Băng, đi tiếp lên Luang Nậm Thà, dọc biên giới Trung Quốc, tôi có gặp một ngôi nhà di động. Một chiếc ô tô lớn như cái nhà kho, ở đó có buồng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh, đặc biệt có thang để bước từ mặt đường lên sàn xe. Một cặp vợ chồng ngoại lục tuần thò đầu ra vẫy tay chào, nhiều người thành Luông chắp tay trước ngực chào lại rất thân tình. Biết tôi đến từ Việt Nam, ông chồng (người Hà Lan) say sưa kể về Hạ Long và cố đô Huế, rồi ông bảo: “Tôi lái xe qua nhiều quốc gia, cái thích thú nhất, diệu kỳ nhất, là mỗi sớm ngủ dậy, thấy cửa sổ nhà mình (chiếc ô tô) lại mở ra ở một khung trời lạ. Chưa nơi nào trên thế gian này lại cho tôi cảm giác êm đềm như Luông Pha Băng”. Cũng như tôi, trước khi đến Lào, ông ta đã nghe kể về miền đất Phật Luông Pha Băng, nơi mà hầu như không có tội phạm, bởi các tín đồ Phật giáo luôn khiêm cung, nhường nhịn, không mưu toan…
Người ta bảo, có những chuyến đi đã góp phần làm thay đổi phận người. Dường như miền đất Phật dịu dàng Luông Pha Băng, với tôi, là một điểm đến như vậy!
Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)