Ở đây, ngoài những bông hoa xương rồng đặc trưng gai góc nhưng rực rỡ và kiêu hãnh, còn những điệu múa áp-sa-ra huyền thoại đang hằn in trên phiến đá xanh rêu…
Lần nào đến Phan Rang tôi cũng có những cảm xúc rộn ràng như thế. Những gam màu quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau như những gam màu trong một bức tranh phong cảnh rạng rỡ trên vùng đất khô cằn, hoang hoải. Phan Rang từ lâu đã được coi là “sa mạc của Việt Nam” bởi cái nắng nóng thiêu đốt đến nghiệt ngã của vùng đất này. Vậy nhưng, với những ai sống đủ lâu, đủ để yêu thì Pan-du-ran-ga mà còn mang đến màu xanh của sự sống và sinh sôi trên miền gió cát. Đó là những ruộng nho đang mùa thu hoạch trĩu quả từ Phước Diêm, Phước Dinh, Phước Dân cho tới Vĩnh Hải, Vĩnh Hy… Trên những đồi cát ấy, nho bạt ngàn và đầy ú ụ những chùm màu xanh xen lẫn màu nâu sẫm mà chỉ cần nhìn thôi cũng đủ dậy lên trong lòng bao nhiêu xúc cảm. Dưới giàn nho, trên rát bỏng những cát và cát, khi đổ xuống những giọt mồ hôi, người nông dân đã hạnh phúc được nhìn những mầm xanh vươn lên, đâm chồi rồi bò loằng ngoằng trên những giàn, những trụ bê-tông được nối với nhau bằng dây mỏng đóng trên cát. Rồi những chùm quả li ti cứ lớn dần trong nắng cháy, tiếng sóng biển vỗ rì rào. Đến Phan Rang, bạn sẽ có cảm giác, mọi thứ ở đây, từ con người cho tới vạn vật đều nghèo khó nhưng lại toát lên, trong trẻo và thánh thiện. Một cảm giác bình an không dễ tìm thấy, ở nhiều nơi khác. Và, đó chính là thứ tình cảm, là sợi dây vô hình với mảnh đất này.
Có những ngày ở Pan-du-ran-ga, tôi chỉ lang thang trên những ngọn đồi, dưới chân những tòa tháp cổ với gạch cũ đỏ au chỉ để tìm những gương mặt xạm đen, những chiếc lu bằng đất nung hay những chiếc eo thon của thiếu nữ người Chăm trong điệu múa huyền thoại. Dường như, không có cảm giác nào yên bình và thanh thản hơn khi bàn chân mình lún sâu vào những đồi cát chạy dài tưởng như vô tận ấy. Trước mắt tôi là ba ngọn tháp sừng sững mọc lên giữa bạt ngàn cát và hoa xương rồng.
Ở Pan-du-ran-ga bây giờ có một làng gốm mỹ nghệ rất nổi danh cùng nhiều người làm nghề nặn gốm nhưng tôi đặc biệt nhớ những hình đất nung của một lão nông người Chăm ở cuối xóm Sạn, một xóm nhỏ gần chân ngọn Ba Tháp nổi tiếng. Qua bàn tay ông, những bức tượng áp-sa-ra như được thổi vào những điệu múa, những dáng hình.
Con đường mang tên Mười Sáu Tháng Tư chạy thẳng ra biển, cắt ngang đường Yên Ninh men theo những bãi cát dài đã được trải nhựa khang trang, to đẹp hơn rất nhiều so với trước. Nhưng dường như, chỉ đến những cảng cá, những làng chài, nhìn những đứa trẻ đen đúa, tóc khô cứng hoang dại mới hiểu về biển và những mặn mòi ngàn đời nơi đây. Từ làng Hải Chữ, Đông Hải, Mỹ Đông, Tân Thành…, đâu đâu cũng là những giàn phơi cá và cái mùi nồng đặc trưng của biển. Có một lão ngư đã đùa vui với tôi trong lần đầu đến đây, rằng, nếu có ý định yêu thương một cô gái làng biển nào, điều đầu tiên phải quen ngửi mùi cá chết. Cái mùi mới thoảng qua tưởng khó chịu nhưng đã sống, đã quen, đã thương thì lại là mùi của sự sống, của áo cơm và hạnh phúc. Không biết, từ ngàn năm trước, con sông Cái trước khi đổ vào biển Đông ở cửa Đông Hải này có đem lại nhiều áo cơm và hạnh phúc cho người dân Phan Rang như bây giờ không, nhưng chứng kiến hàng trăm chiếc ghe tàu lớn nhỏ đang hối hả cập bờ, ra khơi chúng tôi mới thấy được rằng sau sự êm đềm của dòng sông, của biển cả là những kiếp người gắn bó cùng sóng nước.
Đất trời Pan-du-ran-ga bây giờ hay xa xưa có lẽ cũng vẫn vậy, vẫn một màu xanh ngằn ngặt bên cạnh những dải cát lấp lóa in bóng xuống lòng sông.
Bài, ảnh: Đoàn Đại Trí
(Tạp chí Du lịch)