Mạc Thủy có tài năng thiên phú về âm nhạc dù gia đình không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cả bố và mẹ cô đều làm trong ngành Y. Năng khiếu ca hát phát lộ từ khi Thủy mới lên 3 tuổi, dù chưa biết chữ nhưng cô bé có khả năng nhập tâm rất nhanh ca từ và giai điệu của nhiều bài hát. Có những bài cô nghe qua chương trình ca nhạc trên đài phát thanh, có những bài cô được nghe từ người bố bác sỹ nhưng có tâm hồn nghệ sỹ đầy lãng mạn và hồn hậu. Thấm đẫm những cảm xúc ngọt ngào, cả tuổi thơ của Thủy là hát và hát. Nhưng đến khi vào lớp 1, năng khiếu ca nhạc của Thủy mới có cơ hội lan tỏa. Dù vẫn chỉ là tự học, tự hát theo những gì được nghe, nhưng tiếng hát của cô bé 7 tuổi đã chạm tới cảm xúc nhiều người, và giọng ca ấy đã mang về không biết bao nhiêu giải thưởng, trong đó có giải A tiếng hát thiếu nhi tỉnh Nam Hà (cũ)…
Không nén được vẻ bồi hồi khi nhắc lại những kỷ niệm thuở ấu thơ, bất chợt, Thủy khe khẽ cất tiếng hát - giọng ca nồng nàn, da diết gợi lại những ký ức xưa:
“Ru con Mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời
Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời
Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa
Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả…”
… Lớn hơn một chút, Thủy được nghe những ca khúc mà theo cô là “cực kỳ hay và lạ” (sau này Thủy mới biết đó là dòng nhạc “tiền chiến”), và ngay lập tức cô bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của những giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng và ngập tràn sắc màu của mùa thu lãng mạn. Những Dư âm, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay, Gửi người em gái… đã “ngấm” vào Mạc Thủy từ đó…
Quyết định đi theo con đường ca hát, tốt nghiệp cấp 3 Mạc Thủy lên Hà Nội dự kỳ thi vào Nhạc viện Hà Nội. Dù hội tụ đủ các tố chất cần thiết nhưng Thủy vẫn không thể vượt qua “rào cản kỹ thuật” bởi cô chưa từng một ngày học qua thanh nhạc. Quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn, không nản chí, Thủy ở lại Hà Nội để ôn luyện và năm sau đó (1999), cô thi đỗ Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Cơ duyên đến với Mạc Thủy là khi cô được sự chỉ bảo tận tình của NSƯT Bích Việt. Vốn có năng khiếu lại thông minh sáng tạo, Thủy nhanh chóng nắm bắt và xử lý các vấn đề thuộc về kỹ thuật điêu luyện một cách “đáng ngạc nhiên”. Người giúp Thủy “bung” ra hết những khả năng tiềm ẩn là nghệ sỹ Hà Thủy. Dưới sự dìu dắt của thầy cô cùng với nỗ lực miệt mài luyện tập, trong thời gian học tại trường, Mạc Thủy đã gặt hái vô số giải thưởng ca hát, như giải Vàng tiếng hát học sinh sinh viên khu vực miền Bắc; giải A (HCV Vàng) cuộc thi tiếng hát hoa Ban; giải Nhì giọng hát hay Hà Nội (2003)…
Bằng giọng hát tràn đầy nội lực, cảm xúc dạt dào và ngoại hình rất sáng, Mạc Thủy đã nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng âm nhạc. Những tưởng, con đường nghệ thuật với Thủy mở ra thênh thang trước mắt, có ai ngờ lại không ít gập ghềnh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đầu quân về Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, những đổ vỡ trong chuyện tình cảm khiến giọng ca đầy triển vọng suy sụp. Cô xin nghỉ việc và quay trở lại trường cũ (lúc này đã thành Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) để học tiếp 5 năm thanh nhạc hệ đại học…
“Tôi thực sự tìm thấy mình khi hát những tình khúc lãng mạn. Chặng đường vừa qua là một hành trình qua từng thời kỳ với những ca khúc ở dòng nhạc xưa, tiền chiến, bolero..., được chọn lọc kỹ càng theo hướng ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước, đem lại những cảm xúc tích cực cho người nghe chứ không đóng khung ở một thể loại nào cả. Có thể thấy “bức tranh” đa màu sắc trong tiếng hát Mạc Thủy và chủ yếu là “gam màu” tươi sáng, tuyệt nhiên không ủy mị, sến súa...”, Mạc Thủy bộc bạch.
Điều đặc biệt nữa là Mạc Thủy chính là người tiên phong thu âm lại băng cối sau hơn 4 thập kỷ hoàn toàn vắng bóng, thổi một “làn gió mới” vào âm thanh cũ, làm sôi động lại “gu” thưởng thức dòng nhạc chân thực, mộc mạc, từng là trào lưu của một thời.
“Mỗi dòng nhạc, mỗi bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc không gian riêng đó, mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc đến với người nghe, ấy là cái chất của sự hoài niệm”, Thủy tâm sự.
Âm nhạc đã bắc nhịp cầu duyên đưa Mạc Thủy đến với NSND Hoàng Anh Tú. Mong muốn có được sản phẩm như ý mình, Thủy bỏ nhiều công sức kiếm tìm những nơi có thể thu âm được băng cối. Cô vào tận miền Nam là nơi khởi nguồn của âm thanh băng cối để phối nhạc và thu thử nhưng vẫn không hài lòng. Vào lúc thất vọng nhất, Thủy đã định “đơn giản hóa” bằng dòng acoustic (ca sỹ hát trên nền nhạc đệm của guitar hoặc piano thay vì ban nhạc) thì Thủy tình cờ được người quen “mách” đến nghệ sỹ độc huyền cầm Hoàng Anh Tú. Và đúng là nhân duyên, vào thời điểm đó, một người quen của cô làm nghiên cứu khoa học nhưng có đam mê và yêu thích thơ ca nhạc họa có một tác phẩm mới phổ nhạc và muốn Thủy là người đầu tiên thu âm ca khúc này. Hẹn hò nhau tới phòng thu âm thì thật bất ngờ vì đó chính là nhà của nghệ sỹ Hoàng Anh Tú. Nghe thử vài bản phối, Thủy “ưng cái bụng” ngay tắp lự.
Năm 2017, bản thu âm băng cối (analog) Hoài Niệm 1 ra đời, được sự đón nhận vượt lên ngoài mong đợi.
Trò chuyện cùng ca sỹ Mạc Thủy và NSND Hoàng Anh Tú:
*Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, lý do nào khiến Mạc Thủy quyết định “quay lại” với chất liệu âm thanh cổ?
Mạc Thủy: Băng từ cho ra âm thanh rất mộc, mọi thứ đều thể hiện sự tự nhiên nhất của người nghệ sỹ, lý do nữa là âm thanh của băng từ là âm thanh thật, vừa với tai của mọi người nghe ở một mức độ rất dễ chịu, biểu đạt được tình cảm nhiều hơn.
*Đầu tư cho băng từ có tốn kém và phức tạp hơn so với CD?
NSND Hoàng Anh Tú: Tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều, làm CD thì đơn giản, bởi tần số hoặc dải không có vấn đề gì lớn, nhưng băng từ thì phải căn chỉnh rất nhiều, do khi thu âm băng từ không thể lấy hết được các dải cho nên phải làm sao chọn được những gì cần biểu đạt rõ nhất để thu vào băng không bị mất. Phải tập trung vào điểm nhấn cả về nhạc cụ, âm thanh, lời hát để đạt được điều đó.
*NSND Hoàng Anh Tú hỗ trợ Mạc Thủy như thế nào?
Mạc Thủy: Sự hỗ trợ lớn nhất của anh Tú đối với Thủy là dám làm những bài hát như những điều Thủy mong muốn, khi Thủy nói ý tưởng ca khúc thì anh Tú hiểu được ý tưởng đấy, đó là điều cực kỳ quan trọng. Thứ hai là khi có những bản phối rồi thì người hát cũng phải hiểu bản phối, hiểu tác phẩm hơn để hòa nhập ăn ý nhất, thể hiện tốt nhất có thể. Để có sự hòa nhập đó thì có một vấn đề rất khó khăn, ví dụ bình thường đi hát thì có thể hát một cách tự nhiên, ngẫu hứng, phiêu theo cảm xúc sân khấu, nhưng khi vào bản phối thì không thể hát như vậy mà phải thực sự hiểu bản phối để làm sao có thể hát tốt nhất. Rồi anh Tú hỗ trợ về cách hát, cách luyến láy, ở đây không phải kỹ thuật mà là cách biểu đạt, vì anh Tú là nghệ sỹ nhạc cụ dân tộc nên sự phong phú của nhạc cụ dân tộc là vô cùng, do vậy học được sự luyến láy đấy để đưa vào những câu hát của mình thì thực sự là thú vị. Chuyển luyến láy từ nhạc cụ vào giọng hát là điều rất khó, nhưng bây giờ Thủy sử dụng cái đó nhiều. Mọi người rất thắc mắc là tại sao tôi có thể sử dụng được những cái rất quen nhưng lại rất lạ, quen bởi đã nghe đây đó ở nhạc cụ, lạ là thể hiện ở giọng hát. Sử dụng những tính năng ngân nga, luyến láy rung nhấn...
*Gần đây xu hướng làm nhạc giải trí nhiều, đầu tư cho hình ảnh nhiều, nhưng để đọng lại sự sâu lắng là rất hiếm; trong khi đó Mạc Thủy - Anh Tú rất tâm huyết, đầu tư lớn cho âm thanh, lại là âm thanh “cổ”, như vậy có “kén” đối tượng công chúng?
Chúng tôi còn nhiều dự định nhưng sẽ theo từng bước một, bởi con đường nghệ thuật là cả một quá trình dài, bây giờ sản phẩm chưa tới được rộng rãi người nghe, vì chơi băng từ không phải ai cũng chơi được, nhưng rồi dần dần sẽ tìm cách để làm sao sản phẩm của mình phổ biến hơn, bởi vậy không “đóng khung” mà phải có hướng mở rộng rãi hơn.
*Nhiều ca khúc trong Hoài Niệm sử dụng nhạc cụ dân tộc diễn tả rất hiệu quả những “điểm nhấn” của bài hát, NSND Hoàng Anh Tú có thể chia sẻ thêm về điều này?
NSND Hoàng Anh Tú: Đối với tôi nó là kỹ năng biểu đạt, ta hay gọi nôm na là dân tộc với hiện đại nhưng thực ra tất cả các nhạc cụ đều là phương tiện thể hiện tình cảm cũng như phong cách của người nghệ sỹ. Biểu đạt chất dân tộc trong nhạc lãng mạn hay nhạc xưa thực ra không có gì mới, trước đây đã có trong dòng nhạc trước năm 1975, ta thấy có đàn bầu, đàn thập lục rồi người ta còn chơi cả dây tơ chứ không phải dây sắt như bây giờ, rồi sáo tre…, thế nên khi đưa nhạc cụ dân tộc vào phải có cái chất của mình, phải thể hiện được ý đồ, chỉ một nốt thôi nhưng là sự tâm huyết và cũng là kết quả của sự tôi luyện bao nhiêu năm tháng của người nhạc công chơi nhạc cụ đó, phải đặc tả được mấy nốt đó để làm bật lên cái ý đồ cần diễn tả.
Khi phối một bản nhạc, tùy theo từng bài tôi tưởng tượng ra không gian, khung cảnh, khi là tiếng sáo réo rắt vọng bên bờ sông, khi là tiếng đàn bầu nỉ non ai oán bên bờ giậu. Là người chuyên làm nhạc vở nên những cái đó với tôi cũng không có gì quá phức tạp, tất nhiên làm gì cũng cần phải nghiên cứu, thử nghiệm, cái gì thấy không hợp là bỏ ngay, thay bằng nhạc cụ khác… cái cảm xúc về không gian rất quan trọng, miêu tả hình tượng, nói lên những tâm sự gửi gắm, mang đến sự đồng điệu cho người nghe...
Xin cảm ơn Mạc Thủy và NSND Hoàng Anh Tú!
Viễn Nguyệt (thực hiện)
Ảnh: NVCC