GIA TĂNG SỐ LƯỢNG, DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG
Theo báo cáo của các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/3/2010 số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 140.559, nhưng theo báo cáo của Bộ Công an: ngoài số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý nói trên còn cộng với trên 30.000 số đối tượng nghiện ma túy đang được quản lý trong các trại giam, trung tâm giáo dưỡng và cơ sở giáo dục. Như vậy, số đối tượng nghiện ma túy tính đến 31/3/2010 có khoảng trên 170.000 người.
Tình hình nghiện ma túy có những diễn biến mới và phức tạp, được thể hiện như sau:
Tệ nạn nghiện ma túy xâm nhập vào công nhân viên chức, người lao động và con em họ gia tăng ở một số địa phương như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Trước đây người nghiện ma túy chủ yếu hút thuốc phiện (chiếm 87%), nay phổ biến là: hút, nuốt, đặc biệt là tiêm chích (hơn 70%), trở thành một trong những nguy cơ lây nhiễm HIV lớn nhất hiện nay: ước tính 65,3% tổng số người nhiễm HIV trong cả nước là tiêm chích ma túy.
|
(Ảnh minh họa) |
Loại ma túy sử dụng trước đây chủ yếu là thuốc phiện (85%) nay chuyển sang dùng heroin (70% người nghiện), ở một số tỉnh, thành phố tỉ lệ dùng heroin chiếm 80 - 95%. Ma túy tổng hợp như Amphetamine, Methamphetamine, Etasy... mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm nay và có khoảng 2% đối tượng nghiện sử dụng (có tỉnh 7 - 8%). Ngoài ra còn các loại ma túy khác như cần sa, cocain, các loại tân dược gây nghiện như Dolagan, seduxen.
Qua số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố và các cuộc điều tra cho thấy xu hướng gia tăng là phổ biến nhưng không đồng đều. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm địa lý, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm nghiện của từng khu vực và kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống ma túy, cai nghiện phục hồi ở mỗi địa phương. Tỷ lệ đối tượng tăng mạnh ở các tỉnh kinh tế phát triển, mở rộng giao lưu, sản xuất hàng hóa. Tương ứng với nó là việc chuyển sang sử dụng heroin và các dạng ma túy tổng hợp khác. Những tỉnh trước đây trồng cây thuốc phiện thì số lượng đối tượng giảm hoặc tăng không đáng kể.
Nhìn tổng thể có thể chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1994 - 1997 số đối tượng nghiện tăng nhanh, nhưng từ 1998 - 2000 đối tượng nghiện ở nhiều địa phương có xu hướng chững lại và giảm dần. Từ năm 2001 có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh đô thị trọng điểm và đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven Trung bộ hầu hết các tỉnh trừ một số tỉnh miền núi và Tây nguyên.
Riêng giai đoạn từ năm 2003 đến nay (31/3/2010) là giai đoạn có nhiều hoạt động rất tích cực nhưng thực tế đáng lo ngại, tệ nạn ma túy tiếp tục có chiều hướng gia tăng, phần lớn các đối tượng nghiện chích ma túy là đối tượng trẻ. Số đối tượng này khi nghiện chích ma túy rất dễ chuyển từ hút sang chích và đây cũng là một lý do đáng kể làm cho chiều hướng nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích gia tăng trong những năm gần đây. Rõ ràng 170.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, quả là một con số không nhỏ chút nào!
NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN, CHỦ QUAN
Có 4 nguyên nhân khách quan và 3 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình hình nghiện ma túy phức tạp như hiện nay.
Nguyên nhân khách quan:
Việt Nam liền kề với khu vực sản xuất ma túy lớn (khu vực Tam giác vàng và khu vực Trăng lưỡi liềm vàng).
Biên giới Việt Nam là biên giới mở (các nước có tường rào kiên cố và có cửa khẩu): phía Bắc núi non hiểm trở; phía Nam kênh rạch, sông ngòi chi chít đi chỗ nào cũng được khi muốn sang nước khác.
Đất nước chúng ta hội nhập, mở cửa và giao lưu với các nước khác. Do đó, không tránh khỏi ma túy có “điều kiện” thẩm lậu vào Việt Nam.
Tình hình tệ nạn ma túy thực ra mới diễn ra phức tạp trong những năm gần đây, cho nên kinh nghiệm phòng, chống của nước ta còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan:
Do nhận thức và hiểu biết về ma túy chưa đầy đủ. Từ đó, dẫn đến sự quan tâm chỉ đạo cũng hạn chế. Cho nên, việc đầu tư chưa đúng mức và thỏa đáng về nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và phương tiện).
Công tác triển khai, phối hợp chưa đồng bộ, biện pháp chưa toàn diện thiếu sự bàn bạc và thống nhất trong khi kinh nghiệm của Việt Nam chưa có nhiều.
ThS.Bs. Mai Xuân Phương