Báo cáo đoàn giám sát tại cuộc họp ngày 6/7 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tuyết, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong hoạt động ngành từ khi triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay; những vướng mắc trong triển khai thực hiện cùng những kiến nghị để Luật phát huy hiệu quả hơn nữa, tạo đột phá cho du lịch, đặc biệt sau giai đoạn ảnh hưởng do dịch COVID-19 tác động.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần, tổng thu từ du lịch và lượng khách du lịch nội địa tăng hơn 1,7 lần. Năm 2018, Du lịch Việt Nam đón trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Năm 2019, Du lịch Việt Nam đón 18.008.591 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu suy giảm do dịch COVID-19, đạt 3.236.856 lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 11,7 triệu lượt khách, trong đó có 6,1 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 117.900 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019
Do đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019. Khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019..
Về tình hình thực hiện Luật Du lịch 2017, đối với hoạt động lữ hành, thời điểm hiện tại, đã có 2.944 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (LHQT), cụ thể: cấp mới 1.444 giấy phép, đổi 636 giấy phép, thu hồi 851 giấy phép, cấp lại 13 giấy phép. Trong đó, có 210 doanh nghiệp bị thu hồi do chưa đủ điều kiện kinh doanh. Cả nước có 2.212 doanh nghiệp LHQT; 28.089 hướng dẫn viên (17.608 hướng dẫn viên du lịch quốc tế , 9.375 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.106 hướng dẫn viên tại điểm).
Với hoạt động lưu trú du lịch, Luật Du lịch 2017 đã hướng đến thị trường và tạo điều kiện cho cộng đồng, DN đầu tư kinh doanh lưu trú, tạo sự chủ động cho các đơn vị kinh doanh lưu trú trong phân loại, hạng.
Trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, ngành Du lịch đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch liên vùng, liên tỉnh đem lại hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực..
Ngành đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong quảng bá du lịch, xây dựng và cho ra mắt ứng dụng cho thiết bị di động trên nền tảng 1OS và Android ( app “Du lịch Việt Nam” và app “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” hỗ trợ khách du lịch và quá trình tác nghiệp, quản lý, điều hành của hướng dẫn viên du lịch, DN và cơ quan quản lý du lịch, tạo thuận lợi cho du khách thanh toán, trải nghiệm các dịch vụ Du lịch Việt Nam một cách thuận tiện, hướng tới kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành khác.
Đánh giá những kết quả từ khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, được triển khai đến nay, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Luật Du lịch 2017 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
Dẫn báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Khánh cho biết tài nguyên văn hóa của Việt Nam được xếp hạng 29, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, cùng với đó khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam sau năm 2018 đã được cải thiện rõ rệt, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Indonesia”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai Luật Du lịch còn những vướng mắc do một số nội dung chưa được quy định rõ nên một số địa phương lúng túng trong cách hiểu và thực hiện, như việc triển khai xây dựng Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia theo Khoản 2, Điều 29, Luật Du lịch 2017 dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý mô hình khu du lịch quốc gia tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Du lịch 2017 chưa điều chỉnh một số loại hình du lịch và mô hình kinh doanh lưu trú du lịch mới như mô hình kinh tế chia sẻ; farmstay (du lịch nông nghiệp) hiện đang bị bỏ ngỏ. Việc không thực hiện tiền kiểm, chỉ thực hiện hậu kiểm sau khi cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động, nhiều cơ sở không đăng ký xếp hạng, không thông báo hoạt động, không báo cáo kết quả kinh doanh cũng gây khó khăn cho việc quản lý…, về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia cũng chưa triển khai hướng dẫn theo quy định tại Luật Du lịch 2017…
Đối với công tác xúc tiến quảng bá, ông Khánh cho biết, hiện Việt Nam chưa có văn phòng đại diện nào làm công tác xúc tiến ở thị trường quốc tế là một khó khăn rất lớn trong việc đánh giá, tiếp cận thị trường….
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Du lịch trong việc triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017, ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên UBVHGDTTNNĐ cũng nêu lên một số vấn đề - theo ông Hưng – là “còn nhiều bất cập”; như các cơ sở lưu trú tự xếp hạng có đúng với tiêu chí, khách hàng có được hưởng dịch vụ tương xứng với chi phí bỏ ra với tiêu chuẩn sao khách sạn tự quảng cáo; việc yêu cầu DNLHQT ký quỹ có thực sự hiệu quả…?
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, trước đây VITA đã nhiều lần kiến nghị cho phép thành lập Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại một số thị trường trọng điểm nhưng chưa được chấp thuận. Theo ông Bình, nên có sự hợp tác công –tư đối với các văn phòng đại diện để các DN có thể tham gia vào hoạt động quảng bá, phát động thị trường. “Bằng kinh phí các DN đóng góp, VITA đã mở được văn phòng tại Nhật Bản và hoạt động được 4 năm, sau đó phải tạm dừng vì kinh phí có hạn”, ông Bình cho hay.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nêu ý kiến, công tác kiểm tra hoạt động quảng cáo của các cơ sở lưu trú du lịch tại các địa phương thuộc phạm vi của thanh tra văn hóa, ra các quyết định xử phạt (trong trường hợp phát hiện vi phạm) cũng thuộc thẩm quyền của thanh tra văn hóa… nên rất khó trong công tác quản lý.
Báo cáo về những vướng mắc khiến quỹ Hỗ trợ xúc tiến Du lịch chưa thể đi vào hoạt động, Chủ tịch quỹ - ông Lê Tuấn Anh cho biết, theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của quỹ (Ngân sách NN) thuộc lĩnh vực đầu tư công, nên liên quan đến rất nhiều văn bản, thủ tục… đang báo cáo các giải pháp tháo gỡ để quỹ sớm có thể đi vào hoạt động.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định, mặc dù còn nhiều vấn đề cộng với những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng Luật Du lịch 2017 là một trong số không nhiều luật đã được thực tiễn đón nhận, được chứng minh bằng thời kỳ huy hoàng, đó là sự đột phá về số lượng khách, doanh thu; sự lan tỏa hình ảnh Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới; nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho du lịch. “Nhiều vấn đề phát sinh như Luật quy hoạch tích hợp du lịch địa phương (trong đó có quy hoạch du lịch) khiến quy hoạch du lịch gián đoạn; công tác quản lý một số lĩnh vực còn nhiều lúng túng như condotel, biệt thự du lịch, làng du lịch… bởi chưa có quy định, trong thời gian tới cần sớm có đề xuất giải quyết”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu rõ.
Ghi nhận và đánh giá cao trong triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTTNNĐ Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, kể từ khi triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay đã khẳng định Luật đi vào cuộc sống, được thực tiễn đón nhận, khắc phục được những bất cập trước đây trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Du lịch, góp phần vào thành tựu của ngành Du lịch, đóng góp vào nền kinh tế đất nước, quảng bá văn hóa, tăng cường giao lưu hội nhập. “Để tiếp tục phát huy vai trò của ngành kinh tế đang từng bước khẳng định là mũi nhọn, ngành Du lịch cần sớm có báo cáo cụ thể những vướng mắc cần tháo gỡ để đoàn giám sát báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc vào 20/7 tới”, ông Tuyết nói.
Việt Hùng